Thiếu đất công nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Do đó, Đồng Nai đang nỗ lực để sớm có quỹ đất sẵn sàng cho doanh nghiệp (DN) đầu tư.
Thiếu đất công nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Do đó, Đồng Nai đang nỗ lực để sớm có quỹ đất sẵn sàng cho doanh nghiệp (DN) đầu tư.
Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã và đang mở rộng diện tích. Trong ảnh: Khu công nghiệp Long Khánh sẽ tiếp tục được mở rộng diện tích về phía H.Thống Nhất. Ảnh: DN hạ tầng cung cấp |
Phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho việc thành lập các khu công nghiệp (KCN); đưa nhiệm vụ phát triển KCN vào nghị quyết của cấp ủy... là những giải pháp mà Đồng Nai sẽ đẩy mạnh thực hiện.
* Thiếu quỹ đất sẽ lỡ thu hút đầu tư
Đồng Nai hiện có 32 khu KCN, trong đó 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 khu trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Các KCN Đồng Nai đã cho thuê được 6 ngàn ha, đạt hơn 85% diện tích đất cho thuê. Hiện quỹ đất sạch có thể cho thuê không còn nhiều nên ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư lựa chọn ngành nghề vào đầu tư trong các KCN. Để tạo quỹ đất mới thu hút nhà đầu tư, Đồng Nai đang trong quá trình thành lập thêm 8 KCN mới, song tiến độ rất chậm do vướng nhiều thủ tục từ các bộ, ngành, nhất là thủ tục đầu tư, xử lý đất cao su, đất rừng, xác định đấu giá, đấu thầu, quy hoạch phân khu…
Theo Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, số lượng dự án thu hút mới cao hơn nhưng tổng vốn thu hút mới thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Do vậy, vốn đầu tư bình quân cho dự án mới cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022, nếu quý I-2022 là hơn 12,6 triệu USD/dự án thì đến quý I-2023 là 4,5 triệu USD/dự án. Thời gian vừa qua, một số tập đoàn lớn sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại có nhu cầu đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, các KCN không còn quỹ đất để bố trí, giới thiệu cho các nhà đầu tư và hiện tại tỉnh chỉ có thể kêu gọi được các dự án quy mô nhỏ.
Cũng theo ông Cường, hiện có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đầu tư lớn mong muốn đầu tư vào tỉnh và đã khảo sát, lựa chọn khu vực đầu tư, vấn đề là so với quy mô diện tích đất cần thuê mới chỉ đáp ứng được 70%, còn lại chờ bồi thường, giải tỏa. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư của địa phương trong năm nay.
Về việc phát triển quỹ đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đề nghị phải triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Từ khi phát triển công nghiệp, sau 30 năm, Đồng Nai có hơn 10 ngàn ha đất tại các KCN hiện hữu, đồng thời có thêm 8 ngàn ha đất tại các KCN sẽ được thành lập mới. Vấn đề là việc triển khai thu hồi đất, xây dựng hạ tầng KCN cần lựa chọn những khu vực thuận lợi để thực hiện trước, tránh tình trạng làm dàn trải, không tập trung khiến cho việc đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, không phục vụ được nhu cầu của các nhà đầu tư.
* Đưa nhiệm vụ phát triển khu công nghiệp vào nghị quyết
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tỉnh đã có kế hoạch chung nhưng đối với các sở, ngành, địa phương dựa vào nhiệm vụ của mình cũng phải chủ động thực hiện. Đồng thời, phải bám sát các nhà đầu tư và hỗ trợ họ khi khảo sát, tìm hiểu để xây dựng hạ tầng; thúc đẩy giải phóng mặt bằng còn lại tại những KCN hiện hữu. Đối với việc phát triển KCN mới, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu vực có thể triển khai sớm, thậm chí đề xuất loại bỏ các KCN ra khỏi quy hoạch khi không còn phù hợp với thực tiễn.
Về vấn đề này, tại cuộc họp của Tỉnh ủy với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương vào ngày 16-3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ, trước mắt là xử lý ngay những vướng mắc về mặt bằng tại các KCN hiện hữu, đối với KCN mới thì nỗ lực thúc đẩy hoàn thành hồ sơ, thủ tục. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy trực thuộc phải xây dựng, bàn hành nghị quyết riêng về nhiệm vụ phát triển KCN của địa phương, đồng thời coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá công tác hàng năm.
Trong thu hút đầu tư, Đồng Nai xác định sẽ không còn dư địa cho những dự án kiểu cũ. Với lợi thế của mình, tỉnh sẽ ưu tiên những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị sản phẩm lớn nhưng ít tiêu tốn mặt bằng, năng lượng, nhân công, đồng thời có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình thành lập, đầu tư hạ tầng KCN thì vấn đề tiên quyết trong quy hoạch phát triển KCN là tính chất bền vững, quy hoạch phải đi trước. Đơn cử như vấn đề nhà ở, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, quy hoạch phát triển KCN phải gắn liền tạo quỹ đất cho các công trình, thiết chế xã hội, nhà ở cho người lao động...
Văn Gia