Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và sẽ được triển khai thực hiện không chỉ đóng vai trò giúp hoàn thiện, tăng cường khả năng kết nối giao thông mà sẽ tạo ra cơ hội mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội mới, kết nối các cực tăng trưởng của Vùng Đông Nam bộ.
[links()]Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và sẽ được triển khai thực hiện không chỉ đóng vai trò giúp hoàn thiện, tăng cường khả năng kết nối giao thông mà sẽ tạo ra cơ hội mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội mới, kết nối các cực tăng trưởng của Vùng Đông Nam bộ.
Khi các tuyến đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, Bến Lức- Long Thành, Dầu Giây- Liên Khương, Biên Hòa- Vũng Tàu, sân bay quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3,4…hoàn thành đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản…
Theo Tờ trình về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ KH-ĐT trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khoá XV, “tứ giác” kinh tế Vùng Đông Nam bộ gồm 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia. Trong vùng động lực phía Nam, TP.HCM sẽ đóng vai trò là cực tăng trưởng.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến cao tốc quan trọng kết nối Vùng Đông Nam bộ đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015 |
Chính vì vậy, việc tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng cũng như các địa phương thuộc “tứ giác” kinh tế của vùng được xem là giải pháp đột phá để phát triển trong thời gian tới.
Trong chuyến khảo sát thực tế và làm việc về các dự án giao thông trọng điểm: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào giữa tháng 3-2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: mỗi con đường mới sẽ mở ra không gian phát triển mới. |
Hiện nay, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, sân bay lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Với Sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, “tứ giác” kinh tế của Vùng Đông Nam bộ sẽ có thêm điều kiện để tăng tốc phát triển. Bởi, trong tương lai, bên cạnh Sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống cảng biển TP.HCM, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu mà quan trọng nhất là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, “tứ giác” kinh tế này sẽ được bổ sung thêm một “cửa ngõ” mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Với hệ thống sân bay và cảng biển có quy mô hàng đầu của cả nước, các địa phương trong “tứ giác” kinh tế Vùng Đông Nam bộ sẽ có thêm điều kiện để phát triển mạnh nền công nghiệp vốn đã rất phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác như thương mại dịch vụ, logistics, du lịch của các địa phương cũng sẽ được tiếp thêm nền tảng để tăng tốc phát triển.
Bên cạnh Sân bay Long Thành, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai như: đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 - TP.HCM; đường Vành đai 4 - TP.HCM, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành, đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu… mối liên kết Vùng Đông Nam bộ cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực bứt phá mới.
Không chỉ tạo sự kết nối về hạ tầng giao thông, các dự án hạ tầng giao thông cũng được kỳ vọng sẽ mở ra những không gian phát triển mới cho Vùng Đông Nam bộ.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khi đưa vào khai thác dịp 30-4-2023 sẽ mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Nai |
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương , cho biết hạ tầng của Bình Dương được đầu tư phát triển nhanh hơn các tỉnh lân cận, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3 - TP.HCM, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 - TP.HCM. Hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương, vùng TP.Hồ Chí Minh cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với Đồng Nai, với các dự án sân bay, đường cao tốc trên địa bàn, UBND tỉnh cũng đã giao các cơ quan chức năng, các địa phương khẩn trương nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển không gian kinh tế - xã hội mới gắn liền công trình hạ tầng giao thông.
Được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong tháng 9-2025. Vốn đã “sở hữu” “siêu” cảng biển Cái Mép - Thị Vải, khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng, Vùng Đông Nam bộ sẽ chính thức “sở hữu” thêm một “siêu” sân bay.
Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho rằng, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ là nơi hoạt dộng chính của các hãng hàng không lớn của Việt Nam và chắc chắn các hãng sẽ chuyển dần hoạt động về sân bay này chứ không phải là Sân bay Tân Sơn Nhất như hiện tại.
Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn.
Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020 cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu khối lượng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó đã nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và của Việt Nam.
Ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết: “Nếu các tuyến đường cao tốc, Vành đai 3,4 - TP.HCM được xây dựng trong giai đoạn 2022-2025, GRDP của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tăng trưởng cao. Bởi khi có hệ thống giao thông thuận lợi, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tăng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mạnh”. |
Chính vì vậy, đối với lĩnh vực cảng biển, hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được đánh giá sẽ trở thành trung tâm cảng biển của Vùng Đông Nam bộ trong tương lai.
Theo Bộ GT-VT, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải và Sân bay Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là những dự án sẽ tạo ra sự đột phá phát triển về kinh tế - xã hội.
Để hiện thực hóa được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành động lực để phát triển của cả Vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa “siêu” sân bay và “siêu” cảng biển là yếu tố then chốt.
Với bối cảnh đó, việc các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 - TP.HCM cũng như 2 dự án đường sắt Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu được kỳ vọng hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025 sẽ tạo sự “khớp nối” để thông đường cho sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép- Thị Vải.
Sân bay Long Thành sau khi hoàn thành xây dựng sẽ là sân bay lớn nhất cả nước tạo động lực phát triển lớn cho Vùng Đông Nam bộ |
Tương tự, đường Vành đai 4 - TP.HCM cũng là tuyến đường mà hiện nay 3 địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương rất “khao khát”. Bởi đây sẽ là tuyến đường phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương về Sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM cho hay, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang muốn đầu tư vào vùng Đông Nam bộ trên một số lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, y tế, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo. Vì đây là khu vực giao thông kết nối thuận lợi, có nhiều cơ hội cho phát triển các dự án và tỷ lệ thành công cao. Tới đây, sẽ có “làn sóng” doanh nghiệp Ấn Độ đến vùng Đông Nam bộ để đầu tư.
Một số tập đoàn lớn của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean, Trung Quốc… đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư với dự tính sẽ triển khai các dự án lớn từ vài trăm đến cả tỷ USD tại vùng Đông Nam bộ.
Phạm Tùng - Hương Giang - Vi Lâm