Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh được triển khai xây dựng từ năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của tỉnh được triển khai xây dựng từ năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Do đó, các địa phương, đơn vị dịch vụ môi trường và người dân đều mong muốn đề án sớm được phê duyệt, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
Thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn H.Xuân Lộc. Ảnh: B.MAI |
* Sớm ban hành, thực hiện đề án
Trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh hơn 2 ngàn tấn CTRSH. Để quản lý nguồn chất thải này, tỉnh đã quy hoạch nhiều khu xử lý, ban hành chỉ thị về đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn đồng thời đưa chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải vào nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế về hạ tầng, công nghệ, đơn giá...
Năm 2021, Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng đề án quản lý CTRSH trên địa bàn Đồng Nai nhằm đánh giá thực trạng, từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh. Sau 2 năm, qua nhiều lần lấy ý kiến đề án vẫn chưa thể ban hành.
Dự thảo đề án quản lý CTRSH tỉnh Đồng Nai có kinh phí thực hiện dự kiến hơn 5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, từ vốn sự nghiệp môi trường tỉnh hơn 2,6 ngàn tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân tự đầu tư phương tiện, công nghệ hơn 2,3 ngàn tỷ; từ vốn xây dựng cơ bản địa phương khoảng 130 tỷ đồng. |
Ông Vòng Khiềng, thành viên Hội Luật gia tỉnh cho rằng, đề án này phải được ban hành sớm hơn vì Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 đã có hiệu lực, không thể để tồn tại công nghệ xử rác lý lạc hậu, phương tiện vận chuyển thô sơ. Do đó, tỉnh cần sớm ban hành đề án để các bên liên quan thực hiện.
Ở góc độ địa phương, ông Phan Công Minh, Phó trưởng phòng TN-MT H.Long Thành cho hay, nhiều năm nay, rác thải của huyện phải đưa đi huyện khác xử lý vì khu xử lý trên địa bàn không đáp ứng yêu cầu. Vì thế, huyện mong đề án quản lý CTRSH sớm được ban hành, ràng buộc trách nhiệm với chủ đầu tư các khu xử lý chất thải phải đảm bảo công nghệ hiện đại và ưu tiên xử lý chất thải cho địa phương nơi đặt dự án.
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn, đây là đề án quan trọng, lần đầu được xây dựng. Quá trình soạn thảo, Sở đã làm việc với các địa phương, chủ khu xử lý chất thải, lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan và chuyên gia môi trường. Đến nay, đề án đã hoàn thiện để trình UBND tỉnh. Sau khi ban hành, Sở chủ trì tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện đề án.
* Tập trung giải pháp công nghệ
Trong dự thảo đề án quản lý CTRSH chú trọng việc tăng tỷ lệ tái chế rác và giảm chôn lấp xuống mức thấp nhất. Giải pháp đặt ra là đẩy mạnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, hoàn thiện hạ tầng từ điểm tập kết, trạm trung chuyển, xe vận chuyển cho đến khu xử lý chất thải. Có chính sách ưu đãi và hỗ trợ chủ đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư các hạng mục tái chế chất thải.
GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cho rằng, vấn đề tồn tại trong công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng là chưa chú trọng đến giải pháp giảm thiểu rác. Hạ tầng thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa đồng bộ, tái chế nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Cần phân loại tại nguồn, xử lý chất thải theo hướng chuyển đổi thành năng lượng và vật liệu tái sử dụng. Như vậy vừa giảm khối lượng vừa tiết kiệm chi phí xử lý chất thải.
Cũng theo ông Phước, hiện nay có nhiều kỹ thuật xử lý chất thải đang được ứng dụng rộng rãi ở các quốc gia phát triển mà Đồng Nai có thể nghiên cứu, lựa chọn như: phân hủy kỵ khí, xử lý sinh học - cơ học, sản xuất nhiên liệu từ chất thải...
Trong dự thảo đề án, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đầu tư và đưa vào hoạt động dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện quy mô 800 tấn/ngày. Yêu cầu 4 khu xử lý gồm: Quang Trung, Vĩnh Tân, Bàu Cạn và Túc Trưng hoàn thành đầu tư chuyển đổi từ công nghệ hiện có sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng sử dụng kết hợp phát điện. Sau năm 2025, tiếp tục đầu tư công nghệ để làm gạch không nung, vật liệu san lấp từ chất thải trơ, tro xỉ.
Tại hội nghị lấy ý kiến phản biện xã hội đối với đề án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cuối năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, đề án được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với quy hoạch quản lý CTRSH của tỉnh nhằm từng bước giải quyết các vấn đề bức thiết về môi trường, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đề án là cơ sở ban hành các văn bản, các quy định như: Quản lý CTRSH, tuyến đường và thời gian hoạt động của phương tiện vận chuyển; về thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải; mức giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác… Tại đề án này, công nghệ xử lý và công nghiệp tái chế sẽ được ưu tiên.
Ban Mai