Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỗ nội địa tìm cách giữ thị phần

08:03, 18/03/2023

Từ cuối năm 2022, tiêu thụ gỗ nội địa bắt đầu rơi vào hoàn cảnh khó khăn và có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần. Nhất là khi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ quay về thị trường nội địa, hàng ngoại nhập tìm cách xâm nhập thị trường Việt Nam.

Từ cuối năm 2022, tiêu thụ gỗ nội địa bắt đầu rơi vào hoàn cảnh khó khăn và có sự cạnh tranh gay gắt để giữ thị phần. Nhất là khi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ quay về thị trường nội địa, hàng ngoại nhập tìm cách xâm nhập thị trường Việt Nam.

Người tiêu dùng tham quan một gian hàng gỗ nội thất tại hội chợ quốc tế về đồ gỗ vừa mới tổ chức tại TP.HCM
Người tiêu dùng tham quan một gian hàng gỗ nội thất tại hội chợ quốc tế về đồ gỗ vừa mới tổ chức tại TP.HCM

Bên cạnh việc cạnh tranh về thị phần, các DN phải nỗ lực làm mới mình, điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp xu hướng mới.

* Vẫn gặp nhiều khó khăn

Tới thời điểm hiện tại, gỗ là một trong những ngành sản xuất lớn đang gặp nhiều khó khăn. Suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo ngành gỗ giảm đơn hàng cả ở trong nước lẫn nước ngoài.

Xuất khẩu suy giảm khiến cho việc giữ nhịp độ sản xuất tại các nhà máy là vấn đề làm đau đầu nhiều DN. Có không ít DN phải tiết giảm giờ làm, cố gắng tìm đơn hàng để không phải sa thải người lao động.

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, qua khảo sát một số DN lớn, trong đó có ngành gỗ, tình hình vẫn chưa có nhiều tiến triển. Các DN dự báo có thể phải tới cuối quý II-2023 thì việc sản xuất mới trở nên ổn định hơn, nhưng vẫn thua kém nhiều so với năm ngoái.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, trong năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt khoảng 17 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo giá trị xuất khẩu gỗ năm 2023 sẽ không đạt như các năm trước. DN tiếp tục sẽ gặp khó khăn về thị trường, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Hiện nay, phần lớn DN chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 2% lãi suất của Nhà nước nên đang gặp bất lợi kép.

Trong bối cảnh đó, thị trường nội thất nội địa với quy mô 5-6 tỷ USD có thể được coi là cứu cánh cho DN ngành gỗ. Tuy vậy, đây cũng là thị phần không dễ thâm nhập. Các DN làm hàng xuất khẩu quay về nội địa chưa tạo mạng lưới liên kết với các công ty phân phối sản phẩm để người tiêu dùng biết tới; chưa tạo ra được những sản phẩm đa dạng, có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.

Ngay cả những nhà sản xuất chỉ để phục vụ thị trường nội địa thì doanh thu cũng sụt giảm. Thương hiệu gỗ nội thất Khang Thịnh (TP.Biên Hòa) chuyên kinh doanh các mặt hàng nội thất cao cấp, giá trị lớn. Đại diện cửa hàng này cho hay, từ giữa năm 2022, tiêu thụ sản phẩm của đơn vị đã chững lại. Hàng bán chậm, nhà sản xuất kỳ vọng hơn vào việc thúc đẩy thị trường bất động sản từ Nhà nước, từ đó kéo theo doanh số tiêu thụ sản phẩm nội thất cũng ấm dần lên.

* Linh hoạt hơn để tìm hướng phát triển

Đối với các DN, cơ sở chuyên làm hàng nội địa, sự cạnh tranh buộc họ phải tự nỗ lực để đổi mới. Ông Phạm Minh Thừa, đại diện cơ sở sản xuất mộc Hố Nai (TP.Biên Hòa) có hơn 10 năm sản xuất, kinh doanh trong ngành cho hay, trong bối cảnh khó khăn, đòi hỏi nhà sản xuất phải nhạy bén. Cơ sở của ông chuyên cung cấp hàng nội thất khu vực các tỉnh từ Bình Thuận đến Tây Nam bộ. Sản phẩm của đơn vị có 2 mảng là nội thất văn phòng, cơ quan và nội thất nhà dân. Ngoài việc phải giữ chất lượng và uy tín hàng đầu thì theo ông Thừa, đơn vị sẵn sàng hợp tác với chủ đầu tư, nhận thi công, thiết kế không gian nội thất theo yêu cầu. Trong bối cảnh thị trường suy giảm, các nhà sản xuất phải chịu khó thay đổi, chiều ý khách hàng hơn để có thể giữ được thị phần.

Tương tự, tại showroom của Công Ty TNHH TMDV Gỗ Bảo Hân (TP.Long Khánh), để thu hút khách hàng, công ty nghiên cứu để liên tục đưa ra thị trường những mẫu mã mới, đẹp, tiện lợi phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, công ty sử dụng showroom làm nơi chia sẻ những kiến thức và xu thế trong ngành gỗ nội thất Việt Nam.

Không chỉ những nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm mà ngay cả đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cũng linh hoạt để phù hợp với tình hình mới.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) Võ Quang Hà chia sẻ, Tavico là nhà cung ứng nguyên liệu hàng đầu cho sản xuất gỗ ở Đồng Nai và cả nước. Thời gian tới, Tavico sẽ đẩy mạnh việc cung ứng nguyên liệu gỗ ngoại nhập, chất lượng cao cho các đối tác sản xuất gỗ tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, công ty nỗ lực liên kết với các trang trại trồng rừng và nhà máy sản xuất để chủ động trong cung ứng nguyên liệu, đồng thời hợp tác, ứng dụng các thiết kế, cập nhật xu hướng tiêu dùng mới nhất để cung ứng cho khách hàng.

 Văn Gia

Tin xem nhiều