Trong 2 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế nói chung, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn rất khó khăn. Đơn hàng tiếp tục giảm, nhiều DN sản xuất cầm chừng để giữ chân lao động, triển vọng trước mắt chưa mấy khả quan.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế nói chung, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn rất khó khăn. Đơn hàng tiếp tục giảm, nhiều DN sản xuất cầm chừng để giữ chân lao động, triển vọng trước mắt chưa mấy khả quan.
Một chương trình giao thương doanh nghiệp Việt - Nhật do UBND tỉnh tổ chức năm 2022. Ảnh: V.Gia |
Với hơn 600 ngàn lao động đang làm việc, các KCN đóng góp chủ đạo vào xuất, nhập khẩu cũng như nguồn thu lớn cho ngân sách. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn của DN cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của tỉnh.
* Hoạt động cầm chừng
Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng. Tại Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), đơn hàng giảm, DN sản xuất cầm chừng nên đã tính toán điều chỉnh thời gian làm việc của người lao động một cách phù hợp nhất có thể. Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, để duy trì việc làm cho toàn bộ trên 35 ngàn người, DN buộc phải cắt giảm giờ làm trong ngày của lao động. Việc sắp xếp này giúp cho công ty không phải cắt giảm nhân sự nào vì đây là tài sản quý giá nhất. Bên cạnh đó, cố gắng giữ chân lao động cũng giúp công ty không bị động khi thị trường thế giới hồi phục trở lại.
Theo UBND tỉnh, trong 2 tháng đầu năm, có 17/27 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Trong đó, một số ngành sản xuất giảm sâu là: sản phẩm máy tính; sản xuất giường tủ, bàn ghế; dệt may... Điều này cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. |
Tương tự, tại Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa), người lao động trong công ty đã đi làm bình thường trở lại, tuy nhiên hiện tại DN vẫn đang phải hoạt động dựa vào đơn hàng cũ, chưa có được đơn hàng mới. Xác định còn nhiều khó khăn, DN đã chủ động nhập máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện môi trường làm việc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien cho rằng, muốn kiếm được hợp đồng, tạo việc làm cho người lao động, DN buộc phải cải tiến sản phẩm, đổi mới máy móc công nghệ. Dù khó khăn, DN đã cố gắng để giữ ổn định việc làm, thậm chí tuyển thêm lao động bù vào phần thiếu hụt khi một số nhân sự nghỉ từ năm 2022.
Trong khi đó, đối với DN Việt, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (KCN Biên Hòa I, TP.Biên Hòa) cho hay, không chỉ đơn hàng xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường truyền thống giảm sút mà ngay cả hàng bán ra cho các đối tác sản xuất trong nước cũng rất chậm. Là DN ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Tứ mong muốn Nhà nước nới lỏng các chính sách tài khóa, tiền tệ để DN có thể tiếp cận vốn cho sản xuất, duy trì việc làm cho lao động thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc “giải phóng” hàng đã sản xuất ra và tìm thêm các đơn hàng mới là vấn đề cấp bách của nhiều DN hiện nay. “Rất khó khăn, thậm chí thời gian tới còn khó khăn hơn cả những gì đã trải qua” - ông Tứ dự đoán.
* Tìm cách hỗ trợ DN
Các DN trong KCN hầu hết đều là DN có quy mô, đóng góp lớn vào ngân sách cũng như giá trị sản xuất, xuất khẩu. Đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho hay, qua khảo sát tại một số DN lớn trên địa bàn tỉnh, bình quân số ngày làm việc trong tuần chỉ còn 5 ngày, do đó tình hình xuất nhập khẩu khá ảm đạm. Nhiều DN nhận định phải tới quý II mới có thể đánh giá được tình hình có tiến triển thuận lợi hơn hay không, và ngay cả khi hồi phục thì mức độ cũng không thể ổn định được như trong năm 2022.
Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung thông tin, các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng thấp hơn từ 0,3-1% so với năm 2022 nếu không xảy ra đột biến. Nhiều mặt hàng chủ lực hiện đang gặp phải khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm. Để hỗ trợ DN, ngành Công thương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin thị trường, tình hình biến động, giúp các DN có thêm kênh nắm bắt, định hướng, điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu trên cả nước đều gặp khó khăn. Tùy theo từng ngành, DN gặp phải những vấn đề khác nhau, có DN khó khăn nhiều, có đơn vị ít hơn song bức tranh chung là tình hình sản xuất, xuất khẩu giảm. Việc này ảnh hưởng đến thu ngân sách, việc làm, an sinh xã hội của địa phương. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải kịp thời tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Văn Gia