.

'Vỡ trận' thị trường cây có múi

Cập nhật lúc: 08:07, 28/02/2023 (GMT+7)
.

Sau Tết Nguyên đán 2023, tại Đồng Nai, thị trường tiêu thụ trái cây có múi xuất hiện tình trạng “dội chợ”. Giá trái cam bán tại vườn chỉ từ 1-5 ngàn đồng/kg. Cơn khủng hoảng thừa trái cây có múi càng rõ nét khi đang vào cao điểm nắng nóng, mặt hàng cây có múi, nhất là trái cam thường rất hút hàng.

Nguồn cam từ các tỉnh, thành về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Ảnh: B.Nguyên
Nguồn cam từ các tỉnh, thành về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Ảnh: B.Nguyên

Vài năm trở lại đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ trái cây có múi hay rơi vào tình trạng dội chợ, giá rẻ như cho. Nguyên nhân do diện tích cây trồng này tăng nhanh khiến nguồn cung luôn lớn hơn cầu.

* Giá cam chạm đáy

Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ các mặt hàng trái cây có múi, đặc biệt là trái cam rất hút hàng vì vào mùa nắng nóng. Trái với quy luật mọi năm, hơn 1 tháng qua, cam dội chợ với giá bán tại vườn thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn 1-5 ngàn đồng/kg.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2023, trung bình mỗi ngày, lượng cam về chợ đạt khoảng 40 tấn, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ mọi năm. Nguồn cung lớn khiến giá cam bỏ sỉ tại chợ chỉ từ 5-8 ngàn đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng diện tích trồng bưởi trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 10,6 ngàn ha, cam hơn 1,5 ngàn ha. Tỉnh đang đẩy mạnh làm mã số vùng trồng, hỗ trợ nông dân trồng bưởi chuyển đổi sang sản xuất an toàn theo chuẩn thị trường xuất khẩu để cây trồng này có đầu ra bền vững hơn.

Chỉ ra nguyên nhân giá cam rẻ như cho, chủ 1 vựa bán trái cây có múi tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) phân tích thêm, từ sau Tết Nguyên đán, các tỉnh miền Đông, miền Tây đều ồ ạt thu hoạch cam, nguồn cung tăng mạnh khiến loại trái cây này rớt giá. Bên cạnh đó, từ vài tháng nay, giá cam bán ra thấp hơn giá thành sản xuất nên nhiều nhà vườn chậm thu hoạch với kỳ vọng sau Tết Nguyên đán, thời tiết vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ trái cam tăng lên sẽ bán được với giá tốt hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung quá lớn, loại trái cây này không tăng giá mà ngược lại rơi vào cảnh dội chợ. Sau Tết, các nhà vườn buộc phải thu hoạch vì trái cam đã quá chín, không thể trữ thêm được nữa.

Theo khuyến cáo từ Sở NN-PTNT, người trồng cam sẽ gặp rủi ro lớn về đầu ra khi diện tích tăng quá nhanh. Vì không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc cũng trồng cam nên sẽ chịu cạnh tranh với cam giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc khi nước này vào mùa thu hoạch.

* Cung vượt cầu

Tại Đồng Nai, các loại cây có múi như: bưởi, cam, quýt từng đứng tốp đầu về cây trồng cho lợi nhuận cao. Diện tích những cây trồng này tăng nhanh trong những năm qua. Hiện tổng diện tích cây có múi trên cả nước đạt gần 268 ngàn ha. Trong đó, chiếm diện tích lớn nhất là cây bưởi với hơn 108 ngàn ha, cam khoảng 93 ngàn ha…

Thời hoàng kim của cây có múi, nông dân trồng bưởi, cam, quýt có thể thu lợi nhuận 400-800 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, vào những mùa cao điểm tiêu thụ như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, mặt hàng cây có múi, đặc biệt là trái bưởi, luôn được các thương lái săn đón, bao tiêu cả vườn với giá cao vì nhu cầu tiêu thụ, nhất là mua làm quà biếu của người tiêu dùng tăng cao.

Thu hoạch bưởi tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.NGUYÊN
Thu hoạch bưởi tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Nhưng 2 năm nay, thị trường tiêu thụ các loại cây có múi thường rơi vào cảnh dội chợ, rớt giá. Cụ thể, vụ thu hoạch Tết Nguyên đán 2023, nông dân trồng bưởi buồn nhiều hơn vui vì nhiều thời điểm giá bưởi bán tại vườn chỉ được vài ngàn đồng/kg. Ngay cả thời điểm cận Tết, giá bưởi da xanh bán tại vườn thấp hơn giá thành sản xuất với mức 10-12 ngàn đồng/kg. Đây cũng là tình trạng chung của cam, quýt. Nguyên nhân của tình trạng này là do diện tích cây có múi tại Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung tăng quá nhanh, thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là nội địa nên rơi vào khủng hoảng thừa.

Ông Trần Văn Dương, nông dân trồng cây có múi tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) lo lắng, từ sau đại dịch Covid-19, nông dân lại đua nhau chặt cây trồng có múi vì cây trồng này cho hiệu quả kém. Mặt khác, nông dân chặt bỏ vườn cam, quýt vì việc đầu tư ồ ạt theo phong trào nên nhiều nhà vườn năng suất cây trồng đạt kém, dịch bệnh lại phức tạp khiến chi phí đầu tư lớn, năng suất, chất lượng trái không đạt. Hiện nay, nông dân trồng cây có múi luôn thấp thỏm lo âu vì có khi cả năm giá bán luôn ở mức thấp khiến nông dân thu không đủ bù chi, thậm chí lỗ vốn hết mùa này sang mùa khác.

Ông Nguyễn Chính Trưởng, thương lái thu mua trái cây trên địa bàn Đồng Nai nhận xét, kinh tế khó khăn khiến sức tiêu thụ các mặt hàng trái cây nói chung, nhóm trái cây có múi nói riêng chậm hơn. Nhưng nguyên nhân chính do đây là nhóm trái cây chưa xuất khẩu được nhiều trong khi nhiều nơi trồng cam, trồng bưởi nên cung vượt xa cầu. Tuy thị trường xuất khẩu đã rộng cửa hơn cho trái bưởi nhưng tiêu chuẩn của thị trường này đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã nên không phải nhà vườn nào cũng đủ chuẩn tham gia.

Bình Nguyên