Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn cho dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu

09:02, 14/02/2023

Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương vừa tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương vừa tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu đến dự hội thảo
Đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu đến dự hội thảo. Ảnh: Vi Lâm

Khoảng 300 doanh nghiệp (DN) đầu mối, DN thương nhân phân phối (TNPP), cửa hàng bán lẻ xăng dầu đại diện cho gần 20 ngàn DN hoạt động trong ngành xăng dầu cả nước đã tham dự và kiến nghị nhiều ý kiến thẳng thắn, rõ ràng về việc góp ý sửa đổi, bổ sung 2 nghị định nói trên.

* Không “phân biệt đối xử” với DN bán lẻ xăng dầu

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI chia sẻ, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Việc điều hành giá nếu để ở mức cao sẽ có lợi cho DN kinh doanh xăng dầu nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, DN sản xuất và nền kinh tế. Ngược lại, nếu giá sát với chi phí thì sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của VCCI chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm

Nhiều DN xăng dầu đã kiến nghị, cần sửa đổi các quy định về công thức tính giá cơ sở, mức chiết khấu; không hạn chế nguồn lấy hàng của DN bán lẻ xăng dầu; việc điều chỉnh thời gian công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Nhiều DN cũng kiến nghị, thời gian công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nên là 15 ngày/lần thay vì 7 ngày/lần như dự thảo tờ trình của Bộ Công thương. Vì 7 ngày/lần điều chỉnh là quá ngắn nên DN dễ gặp bất lợi trong kế hoạch kinh doanh, khó đoán được biên độ dao động, giá để cân đối số lượng hàng hóa nhập vào.

Ông Hà Thanh Tùng, chủ một DN bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Hiện nay, nhóm DN bán lẻ xăng dầu trên cả nước có khoảng 950 thành viên, tạo ra 27 ngàn việc làm. Do đó, rất cần công nhận sự tồn tại DN bán lẻ xăng dầu trong nghị định. Nghị định cần bình đẳng với DN bán lẻ”.

 Về chiết khấu, không phân biệt đối xử. Thời gian qua dù chiết khấu âm và chiết khấu 0 đồng, nhưng DN bán lẻ vẫn phải bán. DN đầu mối vừa nhập về, vừa có cửa hàng bán lẻ lại không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Trong khi DN bán lẻ thì lại bị xử phạt nêu ngừng bán hàng. Cần có chi phí định mức cho DN bán lẻ, không “phân biệt đối xử” với cửa hàng bán lẻ. Khâu bán lẻ cần 3-3,5% chiết khấu định mức tối thiểu”.

Tương tự, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh cho rằng, thị trường đang bất ổn, nhất là với DN bán lẻ xăng dầu. Chiết khấu chia 3 phần, riêng bán lẻ 5-6% tính trên giá bán lẻ, còn lại là các khâu khác. Không buông lỏng chiết khấu khâu bán lẻ vì phải hòa vốn bán lẻ mới tồn tại được.

* Không hạn chế nguồn lấy hàng của TNPP

Qua gần 10 năm triển khai loại hình TNPP xăng dầu theo Nghị định 83 và Nghị đinh 95, thực tế đã cho thấy vai trò rất quan trọng của TNPP xăng dầu trong việc góp phần đảm bảo nguồn cung ứng nhiên liệu cho hàng ngàn đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, và các đơn vị sản xuất, vận tải, tiêu thụ công nghiệp… khắp cả nước.

Dự thảo Nghị định đưa ra 3 phương án về quyền và nghĩa vụ của TNPP xăng dầu. Trong đó, tổ soạn thảo đề xuất phương án 3, chỉ cho phép TNPP xăng dầu “chỉ được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu theo Hợp đồng mua bán xăng dầu”. Việc quy định TNPP chỉ được phép mua hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được mua hàng của TNPP khác…

TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ: “11 vấn đề của dự thảo cần sửa. Trong đó có 3 nhóm. Thứ nhất là lấy quá khứ méo mó làm khung điều hành cho hiện tại. Không quản giá thì lạm phát là một lập luận vô lý. Rồi quy định chi phí lưu thông bắt buộc, quỹ bình ổn giá, thuế… Hãy để thị trường quyết định. Tôi tin rằng nếu lần này nghị định theo hướng tự do thì sẽ ổn. Đừng có theo tư duy “nhà nước thì lo nhưng bắt DN chịu”.

Về vấn đề này, nhóm DN TNPP xăng dầu cho rằng chưa hợp lý và có rất nhiều bất cập. Chỉ các DN đầu mối Nhà nước là có đủ nguồn lực mạnh, tuy nhiên các DN này cũng chỉ để đáp ứng đủ cho hệ thống phân phối xăng dầu của chính họ. Hạn chế nguồn cung ứng hàng hoá của các TNPP sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho các TNPP cũng như có thể gây bất ổn cho thị trường nếu dự thảo được ban hành.

Nhóm DN TNPP xăng dầu bày tỏ ý kiến, nếu hạn chế việc mua xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo tính cạnh tranh… Ngoài ra, còn phát sinh thêm các hệ lụy không đáng có như: lãng phí kho bãi, làm mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng, làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gần 350 DN TNPP xăng dầu…

Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Nai Văn Tấn Phụng đề nghị, khi sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 nên đặt ngược vấn đề, tại sao trước đại dịch, thị trường xăng dầu hoạt động bình thường? Sau 2 năm dịch bệnh, tình hình thế giới bất ổn đã bộc lộ hạn chế của chính sách điều hành và cần nhìn nhận hạn chế này để sửa đổi.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu của Đồng Nai phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu của Đồng Nai phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm

Vai trò của TNPP xuyên suốt trong quá trình cung ứng xăng dầu cần được nhìn nhận đúng và đủ. TNPP không được mua bán với nhau sẽ dẫn dẫn đứt gãy chuỗi cung ứng. Với 38 đầu mối, năng lực và hoạt động trong lúc thị trường khó khăn nhất thì cần có giải pháp.

Theo ông Phụng, Đồng Nai sát kho Nhà Bè, phân phối nguồn xăng dầu về cuối tỉnh 200km thì mất 1 ngày. ĐN có 500 DN bán lẻ, trong đó có khoảng 25 cửa hàng của Petrolimex, vài chục cửa hàng của xăng dầu Tín Nghĩa, còn lại là hệ thống cửa hàng tư nhân. Do đó, rất cần các TNPP điều hành tiết hàng hóa lẫn nhau để đảm bảo điều tiết nguồn hàng. Đồng thời, kiến nghị TNPP mua nhiều đầu mối và mua bán lẫn nhau, nhà nước kiểm soát theo quy định.

* DN đầu mối lỗ nhưng không dám than

Ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban Chính sách kinh doanh Petrolimex chia sẻ, kinh doanh xăng dầu có nhiều thành phần kinh tế tham gia. Thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngàn khối. Biên độ giá quá ngắn nên nếu giá xuống thì TNPP lỗ nặng.

Các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm
Các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm

“Việc nhập khẩu xăng dầu mất 15 ngày mới đưa được hàng về, nếu chịu ảnh hưởng của bão thì còn lâu hơn. Hiện nay, 1 tháng chúng tôi nhập 100 tàu hàng, tương đương mấy chục triệu USD/tàu nên lỗ là không thể bù cho cửa hàng bán lẻ. Do đó trong chi phí bán thì nếu cho chiết khấu bán lẻ cứng, phải đảm bảo phần chi phí đó cho đầu mối và phân phối - đảm bảo 3 khâu trong lưu thông xăng dầu này” - ông Nam lý giải.

Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT Saigon Petro bày tỏ, nếu chỉ phân phối trong hệ thống thì đơn giản, tuy nhiên phải chia sẻ với thị trường. Khó khăn thì chúng tôi cũng lỗ triền miên. Mua ở các nhà máy thì được ít, phải nhập bên ngoài và nhập khẩu cũng không dễ dàng. DN lỗ nhiều mà không dám than. Nên xem lại quỹ bình ổn có còn phù hợp với giai đoạn hiện nay không? Nếu không thì nên điều tiết lại.

Tại hội nghị, 32 DN phân phối xăng dầu cùng kiến nghị, Bộ Công thương không nên vội vàng sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định trên mà nên tiếp thu ý kiến của các DN kinh doanh xăng dầu một cách rộng rãi (gồm thương nhân đầu mối, TNPP và các hệ thống bán lẻ) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vi Lâm

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI.

“Mỗi phương án lựa chọn có ưu, nhược điểm; có phương án phù hợp với thời điểm này nhưng không phù hợp thời điểm khác. Làm chính sách phải hướng tới lâu dài và tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, hiện tượng mang tính chất cực đoan” - ông Đông nêu quan điểm.

Vi Lâm - Hải Quân

Tin xem nhiều