Trong tháng 1-2023, Đồng Nai đã thu hút dòng vốn ngoại được gần 245 triệu USD, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Do đó, Đồng Nai đã trở lại tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong tháng 1-2023, Đồng Nai đã thu hút dòng vốn ngoại được gần 245 triệu USD, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Do đó, Đồng Nai đã trở lại tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) đang đầu tư xây dựng thêm nhà máy mới để mở rộng sản xuất. Ảnh: U.Nhi |
Theo Sở KH-ĐT, năm 2023, kế hoạch của tỉnh sẽ thu hút vốn FDI khoảng 1,1 tỷ USD. Từ đầu năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để mời gọi doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
* Xếp thứ 3 về thu hút FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tháng 1-2023, cả nước thu hút vốn đầu tư FDI được gần 1,7 tỷ USD. Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, dẫn đầu là tỉnh Bắc Giang với tổng vốn đăng ký gần 792 triệu USD, thứ hai là TP.HCM và thứ ba là Đồng Nai, tiếp đến Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai Phạm Văn Cường chia sẻ: “Tuy tình hình thế giới khó khăn nhưng nhiều DN FDI vẫn muốn đầu tư mới, tăng vốn vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, các KCN của Đồng Nai đang gặp trở ngại, diện tích đất công nghiệp để cho thuê còn rất ít và thường nằm rải rác, không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư lớn. Nếu khó khăn liên quan đến đất đai được giải quyết nhanh để tỉnh thành lập mới, mở rộng các KCN sẽ đón được nhiều dòng vốn FDI chất lượng”.
Trong tháng 1-2023, các dự án FDI tỉnh thu hút được hầu hết vào các KCN. Trong đó, cấp mới 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 45 triệu USD và 10 dự án tăng vốn thêm gần 200 triệu USD. Các dự án đầu tư mới, tăng vốn đa số của DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tuy có khởi đầu ấn tượng, nhưng năm nay thu hút đầu tư trong nước, FDI của tỉnh dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Vì nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục, đất đai chưa được tháo gỡ sẽ “cản đường” các DN đang định đầu tư vào tỉnh.
Trưởng văn phòng Đại diện tỉnh Gyeongnam tại TP.HCM Park Sung Jin cho hay: “Hiện nhiều DN Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng tái tạo. Do đó, Đồng Nai chuẩn bị sẵn quy hoạch, quỹ đất sẽ đón dòng vốn lớn từ Hàn Quốc. Văn phòng sẽ làm cầu nối giới thiệu các DN tỉnh Gyeongnam đến Đồng Nai đầu tư”.
* Nhiều dự án chờ dòng vốn ngoại
Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án đang mời gọi nhà đầu tư FDI tham gia với tổng vốn đầu tư lên đến gần 10 tỷ USD. Trong đó, riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông, thoát nước hơn 6 tỷ USD, du lịch trên 1 tỷ USD. Còn lại là hạ tầng các KCN, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản cần nguồn vốn lớn để triển khai các dự án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai có cơ hội trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo và phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam bộ. Kinh tế của tỉnh có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho nhà đầu tư FDI phát triển trong tương lai. Vì thế, DN FDI đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực sẽ có nhiều cơ hội thành công”.
Quy mô GRDP của tỉnh hiện khoảng 9 tỷ USD, Đồng Nai là một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả nước. Đồng thời, tỉnh là nơi có nông nghiệp, nông thôn phát triển. Mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2030, sẽ vượt lên và xếp thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế (chỉ sau TP.HCM và Hà Nội). Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ thu hút vốn FDI từ 5-6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 2 năm (2021-2022), vốn FDI vào tỉnh đạt gần 2,8 tỷ USD. Trong những năm tới, nếu các vướng mắc về thủ tục, đất đai được Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ sớm, DN có thể đầu tư hoàn thành hạ tầng các KCN thành lập mới, mở rộng dòng vốn FDI vào tỉnh sẽ không dừng trên 1 tỷ USD/năm mà có thể tăng gấp 1-2 lần.
Theo ông Ken-ichiro Abe, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 5,2 tỷ USD. Trong những năm tới, Đồng Nai tiếp tục là điểm đến của các DN Nhật Bản trên lĩnh vực công nghiệp và một số ngành nghề khác. DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh đa số thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, có công nghệ hiện đại, đúng ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các DN là thiếu quỹ đất công nghiệp diện tích lớn để thuê làm nhà xưởng, văn phòng.
Hiện nay, tỉnh đang gấp rút đề xuất Bộ KH-ĐT thẩm định nhanh các dự án hạ tầng KCN mới để sớm thành lập và mời gọi DN tham gia đầu tư.
Theo nhận định từ Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn FDI, tăng khoảng 30-37% so với năm 2022. Các yếu tố quan trọng giúp vốn FDI vào Việt Nam tăng cao là nhờ kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực. |
Uyển Nhi