Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ đứng thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Tài nguyên nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nên tỉnh sẽ chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho dự án trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; đồng thời, yêu cầu người dân, doanh nghiệp (DN) chung tay tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ đứng thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội. Tài nguyên nước đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nên tỉnh sẽ chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho dự án trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất; đồng thời, yêu cầu người dân, doanh nghiệp (DN) chung tay tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước.[links()]
Nhà máy Cấp nước Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Minh |
Trong đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ bố trí 5,1 ngàn tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp nước sạch. Trong đó, hơn 3,3 ngàn tỷ đồng thực hiện các dự án cấp nước đô thị và gần 1,7 ngàn tỷ đồng dự án cấp nước khu vực nông thôn. Ngoài ra, sẽ bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa các công trình thủy lợi.
* Cần nguồn vốn “khủng”
Trong giai đoạn 2021-2025, để đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai cần đầu tư xây dựng mới 72 công trình thủy lợi; sửa chữa nâng cấp 18 công trình; kiên cố hóa 60 công trình kênh mương. Tổng kinh phí đầu tư trên 25,6 ngàn tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, tỉnh, địa phương và xã hội hóa.
Trong chuyến khảo sát một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 8-2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH khẳng định, nước là nguồn tài nguyên quan trọng, địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn. Do đó, tất cả các hồ nước của tỉnh phải là điểm sinh thái xanh - sạch - đẹp - an toàn, có hành lang, cây xanh bảo vệ, thủ tục đất đai phải rõ ràng. |
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai đầu tư 35 dự án thủy lợi với tổng kinh phí gần 6,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, gồm có công trình phục vụ tưới, tiêu thoát nước, mở rộng hồ chứa nước, kiên cố hóa kênh mương. Thời gian tới, các dự án thủy lợi cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất sẽ tiếp tục được tỉnh ưu tiên nguồn vốn để triển khai thực hiện”.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2035, các công trình thủy lợi sẽ đảm bảo nước tưới cho tất cả diện tích sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên nhận định: “Từ nay đến năm 2030, Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư cho các hồ chứa nước, công trình cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất của khu vực đô thị, vùng nông thôn. Vì thế, các địa phương tiến hành rà soát, dự báo nhu cầu sử dụng nước để đưa vào quy hoạch, kế hoạch, bố trí nguồn vốn để thực hiện theo đúng lộ trình để không xảy ra tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp”.
Trong những năm tới, Đồng Nai sẽ phát triển mới nhiều khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, trung tâm thương mại… nên phải đầu tư sẵn các công trình, dự án cấp nước sạch. Như vậy, khi các khu, cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà xưởng sản xuất phải có sẵn hệ thống nước sạch cung cấp cho DN sử dụng.
Đồng Nai đang nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, người dân được sử dụng nước sạch là một tiêu chí quan trọng phải thực hiện nên tỉnh đã đưa ra lộ trình cho từng giai đoạn để bố trí nguồn lực và mời gọi đầu tư.
Về nước sạch nông thôn, hiện toàn tỉnh có 63 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động với tổng công suất trên 64 ngàn m3/ngày đêm. Theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung phải đạt từ 65% trở lên. Đây là yêu cầu khó nhưng tỉnh đang tập trung nguồn lực để đầu tư.
* Chung tay bảo vệ tài nguyên nước
Một trong những yếu tố để phát triển bền vững là phải bảo vệ tài nguyên nước, nên Đồng Nai đã ban hành phương án, đề án khai thác nước dưới đất, nước mặt phù hợp cho hiện tại và tương lai. Trong đó, giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương trong việc vận động, khuyến khích người dân, DN cùng tham gia tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước. Nhiều DN, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các giải pháp tiết kiệm nước. Có những DN đã ứng dụng quy trình tái sử dụng nước thải.
Ông Surakij Kiatthanakorn, Tổng giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa (DN đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Amata) cho biết: “Công ty đang cùng Bộ KH-ĐT xây dựng KCN Amata thành KCN sinh thái. Do đó, công ty tập trung hỗ trợ DN trong KCN sử dụng năng lượng xanh và tái sử dụng nước thải để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước”.
Hiện trong KCN Amata có nhiều DN đã xử lý và tái sử dụng nước thải để làm mát máy móc đang hoạt động và tưới cho cây trồng xung quanh nhà máy.
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, những nhà máy sản xuất xanh tại Đồng Nai thường được khách hàng ưu ái dành nhiều đơn hàng hơn. Trong sản xuất xanh yêu cầu các nhà máy sử dụng tiết kiệm nước và xử lý để tái sử dụng nước thải. Nhiều DN trong tỉnh đã triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nước, tái chế chất thải nên hàng hóa rộng đường vào thị trường lớn như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu…
Ông Trần Quang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Công ty ứng dụng quy trình sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, nước nên hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, sản phẩm thân thiện với môi trường được khách hàng nước ngoài đặt mua nhiều hơn. Vì thế, hơn 3 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều DN khó khăn vì thiếu đơn hàng nhưng riêng công ty đơn hàng vẫn tăng 20%/năm”.
Với nông nghiệp, từ nhiều năm trước, nông dân trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng tưới tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm sử dụng nước tưới, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích sản xuất.
“Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn cây ăn trái, giảm được 50-60% lượng nước tưới so với cách tưới tràn truyền thống. Do đó, vào mùa khô, 3ha xoài của tôi không lo thiếu nước tưới, năng suất tăng 20% nên lợi nhuận thu được cũng tăng theo” - bà Hoàng Thị Linh, ngụ xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) chia sẻ.
Chung tay bảo vệ nguồn nước sẽ giúp Đồng Nai từng bước tham gia vào kinh tế tuần hoàn thuận lợi hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, để nguồn nước ngầm, nước mặt bị ô nhiễm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì thế, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình nước sạch phục vụ cho người dân. Tuy nhiên, các dự án nước sạch được đầu tư xong cần xây dựng quy chế vận hành, quản lý, mức giá bán phù hợp. Và khi có hệ thống cấp nước sạch tập trung, các địa phương vận động người dân trám lấp giếng khoan, giếng đào để bảo vệ nước ngầm cho tương lai. Trong phát triển bền vững không thể thiếu được việc bảo vệ nguồn nước.
Theo Bộ TN-MT, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Vào mùa khô, nắng nóng kéo dài gây hạn hán; mùa mưa hay xảy ra mưa lớn dẫn đến lũ lụt. Do đó, đầu tư các hồ chứa có thể trữ nước và điều tiết lũ. |
Hương Giang - Lê Quyên