Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khu vực nông thôn (sau đây gọi tắt là CNNT). Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT xây dựng được thương hiệu mạnh, có nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khu vực nông thôn (sau đây gọi tắt là CNNT). Do đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT xây dựng được thương hiệu mạnh, có nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Năm 2022, cơ sở sản xuất nước chấm Hoa Sen (TP.Long Khánh) có 3 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ảnh: V.Gia |
Hơn 10 năm qua, công tác đánh giá, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của Đồng Nai đã có những khởi sắc nhất định, tạo tiếng vang, góp phần giúp DN đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.
* Giúp phát triển thương hiệu
Cơ sở sản xuất nước chấm Hoa Sen (TP.Long Khánh) thời gian gần đây được coi là điển hình trong việc đưa sản phẩm chế biến của người nông dân đến với rộng rãi người tiêu dùng. Hiện tại, mỗi ngày Hoa Sen đưa ra thị trường hàng tấn sản phẩm nước chấm các loại. Cơ sở đã xây dựng được khu vực xưởng sản xuất ở TP.Long Khánh và các tỉnh Bình Thuận, Gia Lai, vừa ứng dụng kỹ thuật để chuẩn hóa chất lượng, vừa giữ được trọn vẹn hương vị tương hột truyền thống, sản phẩm chủ lực của đơn vị.
Đi lên từ sản xuất thủ công và nhiều sản phẩm của đơn vị vinh dự được chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, ông Trần Trí Dũng, đại diện cơ sở Hoa Sen cho hay đây là vinh dự lớn, thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với những nỗ lực của cơ sở. “Được chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu giúp chúng tôi thêm một lần khẳng định thương hiệu của mình, từ đó mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu” - ông Dũng kỳ vọng.
Đồng Nai hiện có gần 10 ngàn cơ sở CNNT, hầu hết quy mô hoạt động nhỏ và siêu nhỏ. Để hỗ trợ các cơ sở này phát triển ổn định, bền vững, nhiều hoạt động khuyến công đã được triển khai để hỗ trợ các cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… |
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) cũng là một trong những đơn vị đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Theo bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm những sản phẩm mới, giúp giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ ở địa phương; khai thác lợi thế từ cây sen trên đất Nhơn Trạch và góp phần nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm CNNT tiêu biểu của Đồng Nai.
Nói về việc phát triển thương hiệu, Công ty TNHH Tương Lai là một trong những điển hình của DN nhỏ và vừa tại Đồng Nai đang vươn tầm trở thành nhà sản xuất có quy mô khá. DN này có sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2022. Công ty có thể chế tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phức tạp từ nhựa và cao su, trở thành một trong số 25 DN của cả nước tham gia vào chương trình Chuỗi cung ứng toàn cầu của Bộ Công thương với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
“Vươn lên từ DN nhỏ, để có thể tham gia và hội nhập với thế giới, DN không thể giữ tư duy sản xuất cũ mà phải liên tục đổi mới và đầu tư để đạt các quy chuẩn mà đối tác đặt ra. Chúng tôi không ngừng áp dụng các kinh nghiệm quản lý tiên tiến để nâng tầm thương hiệu của mình” - ông Trương Quốc Cường, Giám đốc công ty khẳng định.
* Thúc đẩy sự hưởng ứng của các cơ sở sản xuất
Năm 2022, qua khảo sát, đánh giá, có 19 sản phẩm của các cơ sở, DN sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu. Lũy kế đến nay, Đồng Nai phát triển được 177 sản phẩm CNNT cấp tỉnh, trong số đó có 27 sản phẩm đạt chứng nhận cấp khu vực và 12 sản phẩm đạt chứng nhận quốc gia.
Các sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp sẽ được tổ chức tôn vinh, khen thưởng từ nguồn kinh phí khuyến công và giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại để phát triển thị trường. Ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai cho hay, không chỉ được hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại mà các cơ sở sản xuất này còn có cơ hội được hỗ trợ về kinh phí để đổi mới máy móc công nghệ.
“Một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động khuyến công trong thời gian tới là tăng cường công tác hỗ trợ kinh phí để cơ sở CNNT đầu tư cơ sở vật chất, máy móc công nghệ cũng như được đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động” - ông Liêm cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, CNNT hiện mới đóng góp khoảng 10% cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh, do vậy việc phát triển của khu vực này là rất quan trọng. Vinh danh các sản phẩm CNNT sẽ tạo động lực để cơ sở sản xuất, DN tham gia ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên so với tiềm năng vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, các địa phương phải có trách nhiệm khuyến khích DN tham gia và tạo điều kiện để họ thụ hưởng những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trong đó, việc hỗ trợ phát triển thị trường và ứng dụng công nghệ sẽ là các giải pháp để DN thấy rõ lợi ích của mình, từ đó chủ động tham gia nhiều hơn.
Văn Gia