Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu các mặt hàng từ cây công nghiệp chủ lực của Đồng Nai như cà phê, hồ tiêu tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt.
Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều giai đoạn xuất khẩu nông sản, sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn nhưng các mặt hàng cây công nghiệp có diện tích lớn của tỉnh như cà phê, hồ tiêu vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu các mặt hàng từ cây công nghiệp chủ lực của Đồng Nai như cà phê, hồ tiêu tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt.
Kho hàng cà phê của Công ty CP Intimex Xuân Lộc (thuộc xã Xuân Định, H.Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên |
Nông dân trồng cà phê, hồ tiêu trên địa bàn tỉnh kỳ vọng sẽ có vụ thu hoạch đạt cả về năng suất và giá bán tốt. Tuy nhiên, diện tích cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó có cà phê, hồ tiêu vẫn theo đà giảm. Đồng Nai định hướng xây dựng những vùng chuyên canh, thu hút đầu tư chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh cho các cây trồng này.
* Xuất khẩu có bước đột phá mới
Theo số liệu từ Sở Công thương, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt gần 384 triệu USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2021; hạt tiêu đạt hơn 57 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trong hàng loạt mặt hàng cây công nghiệp có diện tích lớn của tỉnh, cà phê đứng đầu về mức tăng trưởng xuất khẩu.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) dự báo, năm 2022, ngành cà phê Việt Nam sẽ thiết lập được mốc xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,35 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 13,7% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ. Với đà tăng trưởng ấn tượng này, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay đã sớm đạt được và hoàn toàn có khả năng đạt kỳ vọng sẽ thiết lập kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Trên thị trường thế giới, từ tháng 9-2022, giá cà phê có giảm do chịu áp lực của đồng USD tăng mạnh lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng của năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.280 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo giá cà phê trên thế giới vẫn giữ mức cao do lo ngại thiếu nguồn cung.
Phó giám đốc Công ty CP Intimex Xuân Lộc (thuộc xã Xuân Định, H.Xuân Lộc) Trần Thiện Hai cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê khá thuận lợi, đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Góp phần vào mức tăng trưởng này do giá cà phê xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ, nguồn cung cà phê trong nước vẫn khá ổn định.
* Diện tích giảm nhưng vẫn giữ thế mạnh xuất khẩu
Với gần 100 ngàn ha, Đồng Nai là một trong số những địa phương của cả nước có diện tích các cây công nghiệp lớn gồm: điều, cao su, cà phê, hồ tiêu… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, diện tích các cây trồng trên giảm mạnh, trong đó có cà phê, tiêu là những sản phẩm có lợi thế xuất khẩu.
Theo số liệu từ Sở NN-PTNT, tính đến tháng 6-2022, tổng diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh còn khoảng 30,5 ngàn ha, giảm 488ha; tổng diện tích cà phê còn hơn 7 ngàn ha, giảm 10ha so với cùng kỳ năm ngoái; diện tích hồ tiêu còn gần 11,9 ngàn ha, giảm 64ha so với cùng kỳ. Diện tích các cây trồng trên đều giảm hàng ngàn ha so với vài năm trước đó. Nguyên nhân khiến nông dân đua nhau chặt bỏ các cây công nghiệp do lợi nhuận thu về kém hơn nhiều so với các cây trồng khác.
Cà phê từng là một trong những cây trồng thuộc tốp đầu được chọn triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc… Nhưng đến nay, nông dân trồng cà phê tại các vùng chuyên canh này cũng bỏ cây cà phê.
Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) Trần Quang Hiệp cho biết, trước đây HTX có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu lớn cà phê 4C. Nhưng sau vài năm triển khai, diện tích cà phê vẫn giảm mạnh vì các xã viên bỏ cây trồng này, hộ nào còn giữ cũng chuyển sang trồng xen canh với cây ăn trái. Nguyên nhân, lợi nhuận từ trồng cà phê thấp hơn nhiều so với một số cây trồng khác.
Nhóm cây công nghiệp như: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu… vẫn là những mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Đây cũng là nhóm cây chủ lực Đồng Nai sẽ tập trung phát triển trong Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Một trong những nội dung quan trọng của đề án trên là khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, đạt chuẩn vào những thị trường khó tính và thu hút đầu tư chế biến sâu.
Định hướng cho mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TS Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhấn mạnh, ở thị trường xuất khẩu, Đồng Nai cần hình thành một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Theo TS Đặng Kim Khôi, Đồng Nai cần hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản; trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của vùng cũng như cả nước. Địa phương cần có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất; chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt là cần chú trọng thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương. |
Bình Nguyên