Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác lợi thế giao thông đường thủy

11:12, 16/12/2020

Đồng Nai được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiện hiện nay, loại hình giao thông này vẫn chưa phát triển xứng tầm, nhất là lĩnh vực vận tải hành khách.

Đồng Nai được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiện hiện nay, loại hình giao thông này vẫn chưa phát triển xứng tầm, nhất là lĩnh vực vận tải hành khách.

Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng. Ảnh: Phạm Tùng
Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng. Ảnh: Phạm Tùng

* Thiếu tính kết nối

Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2,3 ngàn km, trong đó lớn nhất là sông Đồng Nai với chiều dài đoạn chảy qua địa bàn tỉnh khoảng 220km. Đây được xem là nguồn tài nguyên lớn để phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác, phát triển giao thông đường thủy, nhất là lĩnh vực vận tải hành khách lại đang rất yếu.

Thực tế, trong lúc phần lớn các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đang rơi vào tình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt xe thì giao thông đường thủy lại đang hết sức èo uột.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, đối với sông Đồng Nai, việc quy hoạch, phát triển các tuyến giao thông đường thủy phục vụ vận tải hành khách là một trong những nội dung nằm trong chiến lược khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế xã hội hai bên bờ sông.

Số liệu thống kê của Công ty CP Phát triển đô thị bền vững (TP.Hà Nội), đơn vị tư vấn lập quy hoạch GT-VT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2025-2030 cho thấy, trong 5 năm (2013-2018), tốc độ gia tăng trong hoạt động vận tải hành khách của tất cả các loại hình trên địa bàn tỉnh đạt mức 8,4%/năm thì riêng vận tải hành khách bằng đường thủy chỉ tăng 2,3%/năm.

Theo Sở GT-VT, đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy, hiện trên địa bàn tỉnh có 29 bến khách ngang sông. Tuy nhiên, phần lớn bến khách là các bến đò ngang, sản lượng vận chuyển thấp.

Trong bối cảnh giao thông đường bộ đang quá tải, chi phí vận chuyển cao thì việc giao thông đường thủy “lép vế” được đánh giá là đang gây ra lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, về giao thông đường thủy, Đồng Nai hiện có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với các địa phương như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, sự kết nối về giao thông đường thủy phục vụ vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai với các địa phương trên chưa có. Cụ thể, mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có các bến đò ngang chứ chưa có bất kỳ tuyến buýt đường thủy, tàu cao tốc hay các phương tiện khác để khai thác. “Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng, đá, đất san lấp từ Đồng Nai đi các tỉnh chứ hoàn toàn chưa có giao thông thủy phục vụ vận chuyển hành khách” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

* Quy hoạch lại để khai thác thế mạnh

Theo đánh giá, Đồng Nai có rất nhiều lợi thế để phát triển giao thông đường thủy cả trên lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách.

Đối với vận tải hàng hóa, Đồng Nai hiện là một trong những địa phương thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, đồng thời, tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong cơ cấu kinh tế cũng chiếm tỷ lệ cao. Điều này tạo ra lợi thế phát triển cho giao thông đường thủy, nhất là khâu vận tải hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Đồng Nai có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng phong phú, đây là nguồn hàng rất lớn cần vận chuyển bằng đường thủy.

Về vận tải hành khách, việc phát triển du lịch, nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái được Đồng Nai xác định là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới. Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển đối với ngành vận tải hành khách bằng đường thủy. Tuy nhiên, để có thể khai thác được những cơ hội này, việc phát triển giao thông đường thủy cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, nhất là đối với lĩnh vực vận tải hành khách.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, việc khai thác thế mạnh giao thông đường thủy trong vận tải hành khách là nhiệm vụ được tỉnh rất quan tâm trong thời gian tới. Bởi so với đường bộ, việc phát triển giao thông đường thủy phục vụ vận chuyển hành khách sẽ thuận lợi hơn. “Cứ nghĩ đơn giản, để làm một con đường, chúng ta phải giải phóng biết bao nhiêu là đất, phải bố trí tái định cư cho người dân trong khi đó, để phát triển tuyến vận tải đường thủy chỉ cần quy hoạch đồng bộ, cắm phao tuyến đầy đủ là có thể khai thác được” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Ngoài chi phí đầu tư thấp, các tuyến vận tải đường thủy còn có lợi thế cạnh tranh hơn so với đường bộ là có thể khai thác lâu dài nhưng ít phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng.

Từ thực tế đó, hiện nay, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Giao thông phải có quy hoạch lại đầy đủ để khai thác các tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy. Đặc biệt, quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối giữa giao thông đường thủy và đường bộ để thu hút hành khách. “Phải có những bến giao thông đường thủy để khi hành khách rời tuyến buýt đường thủy là có ngay tuyến buýt đường bộ. Từ đó hành khách có thể dễ dàng đi tiếp đến những nơi cần đến” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.

Phạm Tùng

 

Tin xem nhiều