Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước ngầm nhiều nơi bị suy giảm đã tác động không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước ngầm nhiều nơi bị suy giảm đã tác động không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn H.Cẩm Mỹ. Ảnh:B.Mai |
Nhưng nhờ chủ động các phương án: tích nước ở các hồ chứa; đầu tư và nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng; khoanh vùng hạn chế khai thác nước ngầm; điều tiết nước tưới và mùa vụ; ứng dụng công nghệ tưới tự động tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp nên nhiều địa phương không còn “khát nước”.
* Chủ động nguồn nước cho sản xuất
Xã Sông Ray là vựa lúa lớn nhất ở H.Cẩm Mỹ. Những năm trước, do nguồn nước tưới không đủ, mỗi năm người dân chỉ trồng được 1 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa và 1 vụ hoa màu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cánh đồng lúa ở xã Sông Ray xanh tốt quanh năm. Nhiều gia đình bỏ nghề đã quay lại trồng lúa, diện tích đất lúa được duy trì ổn định khoảng 300ha.
Bà Bùi Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray cho biết, vài năm trở lại đây không còn tình trạng người dân phải trắng đêm bù nước cứu lúa. Xã Sông Ray hình thành mô hình sản xuất lúa sạch đạt năng suất bình quân 8-9 tạ/sào. Điều này có được là nhờ hệ thống thủy lợi dẫn trực tiếp nước từ hồ, đập về tận cánh đồng; các ngành chức năng thực hiện điều tiết nước và đưa ra khuyến cáo về thời gian xuống giống phù hợp để hạn chế tác động của thời tiết đến mùa vụ và sâu bệnh. “Xã Sông Ray gần như không bị thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Vào cao điểm mùa khô, khoảng tháng 4-5, một số ít diện tích cây lâu năm thiếu nước từ hệ thống thủy lợi, nhưng bà con vẫn đảm bảo được nguồn nước tưới từ giếng khoan” - bà Liên chia sẻ.
Xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) những năm qua không chỉ xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt mà nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp cũng không đủ do nguồn nước ngầm suy giảm. Để duy trì sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã chuyển đổi cây trồng kết hợp đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động.
Ông Dương A Nhì (ấp 3, xã Sông Trầu) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây ông đã áp dụng hệ thống tưới “3 trong 1” cho vườn bưởi, mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ tiết kiệm lượng nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, giảm nhân công và tiền điện, mà hệ thống này còn giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn nhờ lượng phân, nước được tưới đều. Mỗi lần tưới, ông Nhì chỉ cần ấn nút, điều chỉnh van, khoảng 30 phút là tưới xong cả vườn hơn 5ha.
Hiện mô hình tưới tự động nhỏ giọt, phun sương đang được nhiều nông dân toàn tỉnh áp dụng. Không chỉ tiết kiệm nguồn nước, mô hình này giảm nhân công, giảm chi phí đầu tư và có lợi hơn cho cây trồng.
* Tăng sử dụng nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm
Để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, những năm gần đây, tỉnh có nhiều chủ trương đó là: duy tu, sửa chữa và đầu tư thêm các công trình tích nước, dẫn nước, thoát nước và ngăn mặn; chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng, lịch gieo trồng phù hợp từng vùng; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương làm thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và hỗ trợ kinh phí cho nông dân vùng sản xuất tập trung đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Nông dân H.Trảng Bom sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Ảnh:B.Mai |
Ông Lê Xuân Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho biết, trong năm 2020 công ty hoàn thành và đưa vào khai thác công trình thủy lợi hồ Gia Măng (H.Xuân Lộc) với dung tích khoảng 4 triệu m3 nước, hiện tích trữ được 90%. Hiện công ty đang đầu tư công trình thủy lợi phục vụ tưới vùng mía Định Quán. Tính đến cuối năm nay, đơn vị đang quản lý 24 công trình thủy lợi, 10 hồ chứa, 10 đập dâng, 2 trạm bơm điện, 2 công trình ngăn mặn. Các công trình này đảm bảo nguồn nước tưới, thoát nước và ngăn mặn cho khoảng 32,8 ngàn ha, trong đó tưới 24,3 ngàn ha, tiêu nước 2,5 ngàn ha và ngăn mặn diện tích gần 6 ngàn ha. Hiện tại, mực nước ở các hồ chứa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khá ổn định, chưa ghi nhận giảm so với năm 2019.
Theo ông Toàn, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ đồng bộ các giải pháp như: tích trữ nước, bê tông hóa kênh mương nội đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ, ứng dụng tưới tiết kiệm nên tình trạng khô hạn do thiếu nước giảm đáng kể. Ông Toàn cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết, việc vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, nông dân tự ý chuyển đổi mùa vụ hoặc không xuống giống đồng loạt cũng ảnh hưởng đến đảm bảo nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Sở TN-MT, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, an ninh nguồn nước, tỉnh đã ban hành danh mục vùng, khu vực hạn chế khai thác nước ngầm nhằm hạn chế suy giảm mực nước và dự trữ nguồn nước dưới đất, chủ trương ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt; thực hiện đánh giá chất lượng nguồn nước sông, suối. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm vẫn xảy ra. Mới đây, Sở TN-MT đã hoàn thành dự án Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên quy mô toàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Sau đó, Sở cùng với các địa phương thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tại các khu vực cần bảo vệ, khu vực có nguy cơ thiếu nước.
Ban Mai