Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8-2020, ngay trong giai đoạn Việt Nam nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19...
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (gọi tắt là EVFTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8-2020, ngay trong giai đoạn Việt Nam nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.
Sản phẩm tiêu GlobalGAP của H.Cẩm Mỹ đã xuất khẩu tốt vào thị trường châu Âu Trong ảnh: Vườn tiêu GlobalGAP tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên |
Đây được cho là “cơ hội vàng”, là “cú hích” lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt với các nông sản thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
* “Cú hích” lớn cho xuất khẩu
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có Hiệp định EVFTA với EU. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD. Tiềm năng này còn rất lớn vì EU hiện có 27 quốc gia nhưng thị trường chung này còn lớn hơn vì còn có thêm các thành viên không tham gia vào liên minh. Kinh tế của EU khá ổn định và đang trên đà phát triển.
Theo các doanh nghiệp, các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đang xuất khẩu tốt vào thị trường EU gồm: thủy sản, rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tiêu... Và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này vào EU trong thời gian tới là rất lớn và có nhiều thuận lợi vì EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Thị trường EU rộng cửa hơn cũng là cơ hội rất lớn cho nông sản Đồng Nai với thế mạnh phát triển các cây trồng chủ lực như: tiêu, cà phê, hạt điều, trái cây tươi... Giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San Nguyễn Ngọc Luân (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) cho biết, nhờ xây dựng được dự án cánh đồng lớn cho cây hồ tiêu sản xuất theo chuẩn GlobalGAP, vài năm trở lại đây, HTX đã xuất khẩu tốt sản phẩm hồ tiêu sạch vào thị trường EU.
EU là thị trường rất khó tính, yêu cầu khắt khe về chất lượng nông sản nên họ sẵn sàng mua hàng với giá cao. Mặt khác, xuất khẩu được vào thị trường này góp phần rất lớn trong xây dựng thương hiệu và nâng cao vị thế cho nông sản Đồng Nai. Ông Luân cho biết: “Hiện Tổ chức Chứng nhận quốc tế CERES-Cert (Đức) đã cấp chứng nhận cho 3,5ha tiêu của HTX đạt chuẩn hữu cơ. HTX đang chuyển hướng sản xuất hồ tiêu sạch theo chuẩn hữu cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU còn rất giàu tiềm năng này”.
Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam khẳng định, Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam có hiệu lực sẽ là “cú hích” rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Hiệp định này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.
* Cần chuỗi cung ứng mạnh
Để xâm nhập thị trường EU, nông sản phải có chất lượng cao, ổn định. Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) là nông dân đi tiên phong trồng thanh long ruột đỏ theo quy trình GlobalGAP và có đơn hàng cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU. Theo ông Ngọc, lợi thế khi xuất khẩu trái cây tươi vào EU là giá bán cao hơn hẳn so với xuất đi Trung Quốc và các thị trường khác. Quan trọng nhất là thị trường này luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, vì yêu cầu của thị trường EU rất khắt khe nên nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây tươi của Đồng Nai, vẫn chưa tiếp cận được thị trường này.
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất trái cây đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính EU, ông Ngọc cho rằng: “Muốn mở rộng kênh xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường EU, nông dân cần tham gia chuỗi liên kết, sản xuất theo chuẩn an toàn, đảm bảo cả về chất lượng lẫn sản lượng”.
Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan), chuyên gia marketing và thương mại trong lĩnh vực trồng trọt chia sẻ thêm: “Nhìn vào tiềm năng về nông sản của Việt Nam với con mắt của một người Hà Lan, tôi thấy rằng có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU. Lợi thế về sự đa dạng cũng như về chất lượng, nông sản Việt có khả năng vươn xa hơn nữa khi tham gia thị trường thế giới”.
Tuy nhiên, theo ông Jos Leeters, về phần hậu cần, sau thu hoạch, logistics, nông sản Việt Nam còn nhiều điểm cần phát triển. Yếu tố quyết định là xây dựng được những chuỗi nông sản không chỉ đạt chuẩn mà còn phải ổn định về chất lượng. Ở đây, vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu rất quan trọng. Họ cũng phải thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng lẫn việc giám sát toàn bộ các yếu tố trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Bình Nguyên