Biên Hòa không chỉ là vùng đất phát triển sôi động, mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với hơn 320 năm hình thành và phát triển, tạo thành những điểm tham quan thú vị, thu hút du khách mọi miền đất nước.
Biên Hòa không chỉ là vùng đất phát triển sôi động, mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử gắn với hơn 320 năm hình thành và phát triển, tạo thành những điểm tham quan thú vị, thu hút du khách mọi miền đất nước.
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức tại Văn miếu Trấn Biên |
Ngoài các khu du lịch lớn, TP.Biên Hòa còn là nơi lưu giữ di tích lịch sử, văn hóa có giá trị rất lớn về kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử như: chùa Ông, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền, đình thần Tân Lại, Văn miếu Trấn Biên... và những làng nghề lưu truyền qua nhiều thế hệ.
* Di tích xưa trong lòng thành phố
Tại TP.Biên Hòa hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, chùa Đại Giác, chùa Long Thiền, nhà Xanh, Khu danh thắng Bửu Long, Nhà hội Bình Trước... Các di tích này là nơi để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các lớp học sinh, sinh viên tìm hiểu những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai, vùng Đông Nam bộ qua nhiều thời kỳ.
Đình Tân Lân tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, hướng ra sông Đồng Nai (thuộc phường Hòa Bình). Tương truyền, đình Tân Lân xưa là ngôi miếu nhỏ ở Thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) để tỏ lòng ngưỡng mộ Tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai - Gia Định.
Với khuôn viên rộng gần 3 ngàn m2, mang đậm dấu ấn văn hóa Hoa Nam kết hợp với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hiện đình còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên (1852) ban tặng với nội dung: “Bảo an, chính trực, hữu thiện đôn ngưng chi thần”. Ngoài ra còn có nhiều bức hoành phi, liễn đối gỗ, bát bửu và chuông đồng... rất giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của ngôi đình trong quá trình phát triển vùng đất Biên Hòa xưa. Kiến trúc đình Tân Lân còn là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm đặc sắc của những nghệ nhân gốm Biên Hòa. Năm 1991, đình Tân Lân và lễ hội Kỳ Yên đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Những người lớn tuổi ở TP.Biên Hòa hầu hết đều biết đến Nhà hội Bình Trước (thuộc phường Thanh Bình). Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia khá nổi tiếng và có kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào năm 1936 với sự đóng góp rất lớn của những nghệ nhân tài hoa ở Trường mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai).
Dù không phải là đình, chùa, đền, miếu nhưng Nhà hội Bình Trước lại có được nét độc đáo, trang nghiêm của kiến trúc đình làng với mái ngói âm dương xen lẫn ngói lưu ly men xanh. Hệ thống mái có gờ chỉ, trang trí cặp rồng uốn lượn, tượng trưng cho an lạc và thái bình. Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, Nhà hội Bình Trước còn là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngoài tham quan các di tích để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa, nhiều du khách không quên ghé thăm Văn miếu Trấn Biên. Đây là văn miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ, với kiểu kiến trúc dựng gần giống Văn miếu Quốc tử giám, bao gồm đầy đủ các phần như: nhà thờ, tả vu hữu vu, sân tiến hành nghi lễ… rất độc đáo và đặc sắc. Đây là công trình tượng trưng cho sự phát triển của văn hóa, giáo dục khơi dậy niềm tự hào của dân tộc.
* Ấn tượng với nhà cổ, làng nghề
Một trong những khu nhà cổ đầu tiên trong chuỗi nhà cổ trên toàn tỉnh được UNESCO trao Giải thưởng công trạng kiến trúc nhà Việt cổ năm 2004 và UBND tỉnh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2005 là nhà cổ Trần Ngọc Du nằm trong hẻm 342 đường Bùi Hữu Nghĩa (thuộc phường Tân Vạn).
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1900, tọa lạc trong khu đất rộng 1,2 ngàn m2, mặt tiền nhà cổ hướng ra sông Đồng Nai và mặt hậu tựa lưng vào núi Châu Thới. Để dựng căn nhà rọi 3 gian 2 chái, ông Trần Ngọc Du đã trực tiếp chỉ đạo toán thợ mộc ở Thủ Dầu Một và Biên Hòa vào rừng tuyển gần 200 cây gỗ quý các loại đem về làm cột, đòn tay và xẻ ván để trang trí nội thất. Toàn bộ số gạch lát nền và ngói âm dương được đặt mua ở các lò gốm vùng Tân Vạn, đá tảng dùng kê chân cột được khai thác từ núi Sảnh.
Ngoài ra ở TP.Biên Hòa còn có nhà cổ Nguyễn Thị Thi (phường Hiệp Hòa), nhà cổ ông phủ Nguyễn Thanh Long (phường Long Bình Tân). Dù chưa được đưa vào khai thác du lịch nhưng những ngôi nhà trên vẫn mở cửa tiếp đón những du khách thích khám phá tìm hiểu những dấu xưa của thành phố.
TP.Biên Hòa còn là nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng trong nước và thế giới như: nghề làm gốm, chế tác đá có cách đây hàng trăm năm. Nghề chế tác đá bắt đầu từ phường Bửu Long từng nổi danh xa gần. Những nghệ nhân, thợ giỏi với đôi tay khéo léo, khả năng thẩm mỹ cao đã thổi hồn cho đá, tạo ra những tác phẩm đặc sắc như: tượng, đèn đá, công trình trang trí chùa, đình, biệt thự nhà vườn...
Tuy có sau nghề điêu khắc đá nhưng sản phẩm gốm Biên Hòa đã có mặt gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và rất được yêu thích, với 2 dòng sản phẩm chính là gốm đất đen và gốm trang trí. Đồng Nai đã thành lập Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh nhằm giúp các doanh nghiệp có mặt bằng rộng rãi để đầu tư bài bản các khu sản xuất, trưng bày, hướng dẫn du khách có thể tham quan nghề làm gốm Biên Hòa và chiêm ngưỡng những sản phẩm đặc sắc từ gốm.
Kim Liễu