Cuối năm là cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh nhằm đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Hiện nhiều DN đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý II, quý III của năm 2019.
Cuối năm là cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh nhằm đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu. Hiện nhiều DN đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý II, quý III của năm 2019.
Sản xuất dệt may xuất khẩu tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (huyện Nhơn Trạch). |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2018 ước đạt gần 18,4 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa và xuất khẩu đều rất tốt.
* Một năm dồi dào đơn hàng
Năm 2018 được các DN đánh giá là năm tương đối thuận lợi trong phát triển sản xuất và xuất khẩu. Nhiều DN xuất khẩu nhận được các đơn hàng lớn nên đã hợp tác với các DN sản xuất trong nước để đơn hàng hoàn thành kịp tiến độ. DN sản xuất hàng xuất khẩu còn có xu hướng ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu trong nước nên các DN sản xuất cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa cũng nhận được nhiều đơn hàng. Cuối năm là thời điểm các DN đẩy mạnh sản xuất để nâng công suất, chốt các đơn hàng cuối năm 2018 và chuẩn bị cho những đợt xuất khẩu đầu năm 2019.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhận định: “Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai mỗi năm đều giữ được mức tăng trưởng cao. Có được kết quả trên là do DN không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề để có thể đáp ứng được những đơn hàng khó của đối tác nước ngoài”. |
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai cho biết: “Hàng may mặc của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Hiện công ty đã nhận được đơn hàng đến đầu quý II-2019. Để kịp thời gian giao hàng cho các đối tác nước ngoài, công ty đã liên kết với một số DN gia công sản phẩm khác”. Cũng theo ông Kích, các đơn hàng may mặc hiện rất dồi dào, và năm tới ngành dệt may sẽ không lo thiếu đơn hàng.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp sản xuất trên lĩnh vực giày dép, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ... cũng khẳng định, từ đầu năm 2018 đến nay đơn hàng đến rất nhiều. Có những thời điểm các công ty phải từ chối bớt đơn hàng vì không đáp ứng kịp.
Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty sản xuất khuôn mẫu, các sản phẩm nhựa công nghiệp để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Dịp cuối năm, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều tăng nên công ty phải tăng công suất mới đáp ứng kịp. Thị trường xuất khẩu chính của công ty vẫn là Nhật Bản và Hàn Quốc”. Theo đó, hiện đang vào mùa xuất khẩu của nhiều mặt hàng nên các DN đều chạy đua cùng thời gian để kịp hoàn tất đơn hàng cho đối tác.
Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp: Nhật Bản, Hàn Quốc và Chi hội Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tại Đồng Nai đều cho hay, năm nay sản xuất của các DN nước ngoài khá ổn định, đơn hàng nhiều hơn năm trước; có làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc về Đồng Nai.
* Thị trường năm 2019 rộng mở
Theo nhận định của nhiều DN, hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2019 sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Vì không chỉ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) có khả năng cũng được thông qua. Đây là lợi thế lớn cho tỉnh trong thu hút đầu tư và các DN trên địa bàn Đồng Nai sẽ có thêm cơ hội liên kết hợp tác với DN nước ngoài. Đồng thời thị trường xuất khẩu cũng thuận lợi hơn. DN có thể nhập nguyên liệu giá rẻ từ các nước cùng tham gia hiệp định thương mại tự do và xuất khẩu vào những thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Công Ty TNHH Chiếc Lá Xanh ở khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) sản xuất đèn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. |
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: “Những nước mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại đều là những thị trường DN gỗ đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ. Đặc biệt tới đây CPTPP và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực sẽ giúp các DN sản xuất gỗ Đồng Nai tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của các nước vì được hưởng ưu đãi cả thuế nhập khẩu nguyên liệu lẫn thuế xuất khẩu hàng”. Cũng theo ông Bình, với những lợi thế từ các hiệp định thương mại, các đơn hàng đổ vào Việt Nam cũng như Đồng Nai nhiều hơn để hưởng các ưu đãi về thuế.
Ông Peter Wu, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Đài Loan tại Đồng Nai chia sẻ: “Trong thời gian tới, các đơn hàng từ nước ngoài vẫn có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam và Đồng Nai nhiều hơn. Với khả năng đáp ứng được nhiều đơn hàng khó trong thời gian ngắn thì các DN trên địa bàn Đồng Nai sẽ không ngại thiếu đơn đặt hàng”.
Bên cạnh đó, các DN ở Đồng Nai thời gian qua liên tục nhập dây chuyền sản xuất hiện đại về để tăng công suất, chất lượng, giảm lao động thì khả năng tiếp nhận hoàn thành các đơn hàng lớn, khó tốt hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp các khách hàng yên tâm ký những đơn hàng lớn.
Hương Giang