Đồng Nai hiện thu hút 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với tổng vốn trên 31 tỷ USD, trong đó có 14 thành viên của APEC đầu tư vào tỉnh với số vốn khoảng 21,6 tỷ USD...
Đồng Nai hiện thu hút 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với tổng vốn trên 31 tỷ USD, trong đó có 14 thành viên của APEC đầu tư vào tỉnh với số vốn khoảng 21,6 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong khối APEC nhận xét Đồng Nai là điểm đến khá hấp dẫn nhà đầu tư.
Tập đoàn C.P. chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên, và sau khi thành công đã mở rộng đầu tư ra nhiều tỉnh, thành khác. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. |
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, các nước thành viên APEC đang là đối tác thương mại lớn của Đồng Nai trong nhiều năm qua. Nhiều tập đoàn lớn của các thành viên APEC đã chọn Đồng Nai là điểm đến trước tiên và sau một thời gian hoạt động hiệu quả đã tăng vốn mở rộng đầu tư, như: Hyosung, Taekwang, Posco (Hàn Quốc), Ajinomoto, Fujitsu (Nhật Bản), Amata, C.P. (Thái Lan), Vision Group (Trung Quốc), Pouchen (Đài Loan)...
* Thu hút nhiều tập đoàn lớn
Với lợi thế về hạ tầng giao thông, khí hậu, Đồng Nai là điểm đến của nhiều DN thuộc khối APEC. Phần lớn các DN đầu tư vào tỉnh sản xuất, kinh doanh thành công và sau một thời gian đã tăng vốn gấp nhiều lần so với ban đầu.
Ông Shinji Watanabe, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), cho biết: “Tập đoàn Fujitsu đầu tư vào lĩnh vực linh kiện điện tử được hơn 20 năm và khá thành công. Những năm qua công ty liên tục mở rộng sản xuất, có thêm nhiều sản phẩm mới để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Fujitsu là DN xuất khẩu hàng đầu của tỉnh về lĩnh vực điện tử”.
Do hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên khi mới đầu tư vào tỉnh, vốn ban đầu của công ty chỉ vài chục triệu USD hiện đã nâng lên gần 200 triệu USD.
Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam đầu tư vào Đồng Nai rất thành công. Sản xuất tại Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa). |
Sau 10 năm đến Đồng Nai, Tập đoàn Hyosung hiện đã vượt lên dẫn đầu với tổng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD. Sau khi thành công ở Đồng Nai, Tập đoàn Hyosung dự tính sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra một số tỉnh, thành khác.
“Những năm qua, Hyosung liên tục mở rộng sản xuất để đáp ứng được các đơn hàng lớn của DN từ nhiều quốc gia khác nhau. Hiện Hyosung Việt Nam cung cấp sợi cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, trong đó có 2 loại sợi chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới là sợi spandex và sợi dùng làm lốp xe ô tô” - ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) cho hay.
Giữa năm 2010, Tập đoàn Esquel (Hong Kong) đến Đồng Nai thành lập Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa), đầu tư vào dệt may. Qua một thời gian hoạt động hiệu quả nên Esquel liên tục tuyển thêm lao động, mở rộng đầu tư để đáp ứng các đơn hàng lớn của nước ngoài.
Bà Marjorie Yang, Chủ tịch Tập đoàn Esquel, cho biết: “Esquel sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Đồng Nai, song sẽ tập trung trên lĩnh vực công nghệ cao để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm”. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn khác cũng liên tục tăng vốn mở rộng đầu tư tại Đồng Nai, như: Kenda, Amata...
* Được lựa chọn nhiều hơn
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, số DN nước ngoài đến đầu tư mới và tăng vốn tại Đồng Nai luôn vượt kế hoạch của tỉnh. Mặc dù tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc kỹ càng, chỉ chấp nhận những dự án có công nghệ cao thân thiện với môi trường, thế nhưng, theo đánh giá của các đại sứ, tổng lãnh sự các nước, Đồng Nai vẫn là điểm đến được nhiều DN nước ngoài chú ý.
Đặc biệt, tới đây khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng thì Đồng Nai sẽ là nơi được nhiều DN lựa chọn đầu tư trên các lĩnh vực nhiều hơn.
Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp nằm trong tốp đứng đầu tỉnh về sản xuất, xuất khẩu linh kiện điện tử. |
Ông Park Noh Wan, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh, khẳng định: “Nhiều DN Hàn Quốc đã đề nghị lãnh sự quán làm đầu mối giúp họ tìm hiểu môi trường đầu tư của Đồng Nai với dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và dịch vụ, trong đó có nhiều DN uy tín rất muốn đầu tư vào các hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.
Những DN Hàn Quốc đến tỉnh đầu tư trước thành công đã giúp các DN của nước này an tâm hơn khi đầu tư vào tỉnh. Do đó, khoảng 2 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã vươn lên đứng đầu trong 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.
APEC hiện có 21 thành viên với dân số khoảng 2,8 tỷ người và chiếm 57% tổng sản phẩm thế giới. Thành viên của APEC gồm: Úc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Việt Nam, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, New Zealand, Brunei, Mexico, Peru, Chile, Hong Kong, Papua New Guinea, Canada, Indonesia. Việt Nam gia nhập APEC vào tháng 11-1998. APEC hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Đồng Nai và cũng là đối tác đầu tư lớn nhất của tỉnh. |
Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản cũng đang tăng tốc đầu tư vào Đồng Nai về công nghiệp hỗ trợ. Đây là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên mời gọi nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Vào dịp đầu năm 2017, hơn 20 DN của TP.Sakai, tỉnh Osaka (Nhật Bản) trên lĩnh vực cơ khí chế tạo, thép, điện, điện tử... đã đến Khu công nghiệp Amata, Long Đức, Nhơn Trạch 3... để tìm hiểu và đầu tư. Sau đó, một số DN đã đến đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ông Cao Minh Chuyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2, huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Sau hơn 2 năm thành lập, công ty đã thu hút được 33 DN đến thuê nhà xưởng để sản xuất, riêng Nhật Bản có 23 DN. Hiện công ty vẫn tiếp tục xây dựng nhà xưởng để cho DN Nhật Bản và các nước khác đến thuê đầu tư sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN trong APEC chú ý. Những năm gần đây, đầu tư của họ vào Đồng Nai tăng cao và chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh.
Hương Giang