Gần đây, hàng loạt vụ việc thực phẩm không an toàn bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người tiêu dùng lo lắng. Để hiểu rõ hơn về lựa chọn thực phẩm an toàn, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn).
Ông Nguyễn Như Tiệp. |
Gần đây, hàng loạt vụ việc thực phẩm không an toàn bị cơ quan chức năng phát hiện khiến người tiêu dùng lo lắng. Để hiểu rõ hơn về lựa chọn thực phẩm an toàn, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn).
* Phóng viên: Thưa ông, hiện nay, thịt, rau, trái cây không rõ nguồn gốc tràn ngập thị trường khiến người tiêu dùng rất lo lắng. Cục đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Ông Nguyễn Như Tiệp: Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay và hiện Cục đang phối hợp với Đồng Nai để chạy thử nghiệm hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thịt heo, gà và rau tại tỉnh Lâm Đồng. Chương trình kéo dài khoảng 1 năm và đến cuối tháng 10-2013 sẽ kết thúc.
Việc triển khai hệ thống trên nhằm kiểm soát chất lượng thịt heo, gà từ các trang trại ra đến thị trường. Khi xảy ra sự cố liên quan đến hai loại thực phẩm này, Cục có thể truy ra nguồn gốc để có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời. Đồng thời, khi có những thông tin bất lợi cho ngành chăn nuôi, Cục có thể công bố kết quả quản lý chuỗi thực phẩm bằng những con số cụ thể từ trang trại đến khâu giết mổ, vận chuyển và đưa ra thị trường. Như vậy, người tiêu dùng sẽ an tâm sử dụng thịt của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ an toàn và tránh được tình trạng tẩy chay thịt heo trong nước, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho người chăn nuôi.
* Sau khi hoàn tất thử nghiệm hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm trên thịt heo, gà và rau, Cục có dự tính nhân rộng ra các ngành hàng khác?
- Thịt heo, gà và rau là những sản phẩm được sử dụng nhiều nhất trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình cũng như các bếp ăn tập thể, nên sau khi quản lý tốt các chuỗi thực phẩm trên, Cục sẽ tiếp tục triển khai hệ thống kiểm soát đối với các ngành hàng khác, như: trái cây, thủy sản… Tiến đến tất cả các loại nông sản, thủy sản đều quản lý theo chuỗi từ người chăn nuôi, trồng trọt ra đến thị trường và truy được nguồn gốc, xuất xứ khi xảy ra sự cố. Và người tiêu dùng sẽ an tâm chọn lựa các nông sản, thực phẩm vì biết được chất lượng, nguồn gốc.
* Thưa ông, đó là chuyện của tương lai. Nhưng hiện tại, người tiêu dùng vẫn băn khoăn không biết chọn loại thực phẩm nào cho đảm bảo?
- Đúng là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường hiện nay rất nhiều. Ngoài việc Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý sản xuất trong nước, đặt ra các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng nhập khẩu về thì người tiêu dùng phải khó tính hơn.
Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom) tham gia thử nghiệm hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh: H.Giang |
Lý do là vì từ trước đến nay, người tiêu dùng Việt Nam quá dễ tính, nhiều người chấp nhận một cách hiển nhiên các sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng không được kiểm soát. Chỉ khi xảy ra vấn đề gì về chất lượng mới lo lắng, tẩy chay. Đây cũng chính là cơ hội cho các sản phẩm kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường. Ở các nước phát triển, người tiêu dùng có thói quen mỗi khi muốn mua một sản phẩm nào phải xem kỹ nhãn mác, xuất xứ, thời hạn sử dụng, nếu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, họ sẽ từ chối sản phẩm đó. Người tiêu dùng Việt Nam cũng cần có thói quen trên khi chọn mua thực phẩm. Nếu làm được, các mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng sẽ tự thu hẹp thị trường. Còn nông dân, muốn bán được hàng buộc phải sản xuất theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Việc này có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn nông dân, vì hàng sản xuất ra không tiêu thụ hết trong nước có thể xuất khẩu trực tiếp.
* Nghịch lý đang diễn ra là người tiêu dùng ngày càng đòi thực phẩm phải an toàn, nhưng các hợp tác xã sản xuất rau, trái cây sạch lại khó tìm đầu ra?
- Việc này tôi có nghe nhiều địa phương phản ánh. Theo tôi, nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm đó là an toàn. Muốn người dân tin và lựa chọn sản phẩm an toàn, tự bản thân các hợp tác xã có kế hoạch, quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình. Thực tế, không ít trang trại, hợp tác xã tự sản xuất rau quả an toàn và xây dựng thương hiệu, đứng vững trên thị trường.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)