Những năm qua, với tiềm năng của mình, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để thúc đẩy kinh tế khu vực địa phương, nông thôn.
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp An Hòa Hưng (thành phố Biên Hòa) tham gia một chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: C.T.V |
Trong phát triển OCOP của Đồng Nai, các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng với nhiều đơn vị và sản phẩm tham gia. Từ sản phẩm OCOP, các HTX đã từng bước nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng tốt ra thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều sản phẩm OCOP của hợp tác xã được người tiêu dùng đón nhận
HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (huyện Nhơn Trạch) là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm được chứng nhận OCOP. Với hàng chục mẫu mã sản phẩm, bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc HTX, cho hay sen và các sản phẩm phụ trợ của đơn vị ngày càng được người tiêu dùng trên khắp cả nước đón nhận. Hiện nay, HTX đã phát triển được hơn 60 đại lý bán hàng khắp cả nước. Ngoài ra, sản phẩm từ sen của HTX còn được bán trong các khu du lịch, trong hệ thống các siêu thị bán lẻ. Bên cạnh đó, bà Lệ chú trọng quảng bá thương hiệu trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo...
Theo các HTX, tham gia Chương trình OCOP, đã giúp họ dần thay đổi nhận thức về xây dựng câu chuyện sản phẩm. Không chỉ chăm chút ở khâu sản xuất, nhiều chủ thể OCOP ngày càng quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn hàng, thương hiệu gắn với đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm. Việc liên kết tiêu thụ giữa thành viên và doanh nghiệp, đối tác cũng tốt hơn. |
Năm 2024, sản phẩm sầu riêng của HTX Thương mại dịch vụ Xuân Lập (thành phố Long Khánh) đã đạt được chứng nhận OCOP của địa phương. Với diện tích hơn 600 hécta cây sầu riêng, sản phẩm sầu riêng của HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, càng khẳng định chất lượng sầu riêng của địa phương.
Theo Giám đốc HTX Xuân Lập Trịnh Cao Khải, bên cạnh xuất khẩu sầu riêng và liên kết với nhau làm du lịch vườn thì việc đầu tư làm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP chính là để khẳng định chất lượng đối với du khách và người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Hay như HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (thành phố Biên Hòa), các sản phẩm của đơn vị từ phòng nghiên cứu khoa học đưa vào ứng dụng sản xuất và từng bước tạo được tiếng vang trên thị trường. Dựa trên cây dược liệu an xoa và các dược liệu khác để cho ra sản phẩm tốt, hiện HTX An Hòa Hưng đã có hơn 20 sản phẩm. HTX này đổi mới phương thức kinh doanh trên nền tảng công nghệ số với nhiều kênh bán hàng đa dạng. Mỗi kênh xây dựng một phương án kinh doanh và chăm sóc khách hàng chuyên biệt.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ
Về phía địa phương, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2025, trong đó, mục tiêu là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 88 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm OCOP 5 sao. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX, tổ hợp tác và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; củng cố và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã đánh giá và phân hạng… Kế hoạch cũng đặt ra nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, kế hoạch còn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường.
Cùng với kế hoạch của tỉnh, từ đầu năm 2024, Liên minh HTX Đồng Nai và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết Chương trình Phối hợp về thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng, một trong những nội dung quan trọng là tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức dạy nghề cho các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Xây dựng và triển khai phát triển mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn, có sức lan tỏa. Đồng thời, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tăng giá trị sản phẩm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước.
Đào Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin