Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa) là cụm mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất tỉnh. Thời gian qua, hoạt động khai thác đá ở cụm mỏ đã ít nhiều tác động tiêu cực đến nguồn nước, không khí và đời sống của người dân ở xung quanh.
Chế biến đá ở cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (thành phố Biên Hòa). Ảnh: L.AN |
Tăng cường kiểm soát các nguy cơ về môi trường để hoạt động khai thác khoáng sản bền vững là yêu cầu đặt ra.
Nhiều nguy cơ về môi trường
Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân có diện tích theo quy hoạch hơn 400 hécta. Đến nay, tỉnh đã cấp 10 giấy phép cho gần 400 hécta. Thời gian qua, hoạt động của cụm mỏ tuân thủ quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn ít nhiều tác động tiêu cực đến người dân và môi trường xung quanh.
Dễ thấy nhất là bụi phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản. Mặc dù các giải pháp như: tưới nước, quét đường, phủ bạt kín thùng xe và rửa bánh xe khi ra khỏi mỏ… được các chủ mỏ áp dụng nhưng tình trạng bụi trắng ở khu vực cụm mỏ, đường chuyên dùng và quốc lộ 51 vẫn nhiều. Báo cáo kết quả các đợt quan trắc chất lượng không khí môi trường do Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện đã chỉ ra, khu vực có các chỉ số bụi vượt Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí môi trường xung quanh.
Ngoài phát tán bụi, vào mùa mưa, nước chảy tràn cuốn theo bụi bám trên bề mặt gây ô nhiễm nguồn nước nước mặt sông Buông, tăng bồi lắng, ảnh hưởng đến dòng chảy, đặc biệt là khả năng tiêu thoát nước của dòng sông.
Nguy cơ thứ 2 là mất ổn định bờ mỏ và bờ sông Buông trong và hậu khai thác khoáng sản. Về bờ mỏ, theo đánh giá của nhóm thực hiện Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông, hiện tại, mức độ an toàn bờ mỏ khá cao, tuy nhiên, trong trường hợp các mỏ được tăng độ sâu có thể có nguy cơ sạt lở, mất an toàn trong khai thác và vận chuyển. Cần tăng cường ổn định bờ mỏ bằng cách tạo biên (độ nghiêng, độ vát) và tuân thủ quy định an toàn trong khai thác.
Cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân có 10 mỏ khai thác đá, đó là: Tân Cang 1, Tân Cang 2, Tân Cang 3, Tân Cang 4, Tân Cang 5, Tân Cang 6, Tân Cang 7, Tân Cang 8, Tân Cang 9 và mỏ Ấp Miễu
Đối với bờ sông Buông, hiện nay, cụm mỏ bị sông Buông chia thành 2 bờ. Ở bờ phải có 2 mỏ, theo tính toán thì kết thúc khai thác đáy mỏ thấp hơn địa hình xung quanh 86-103m; còn bờ trái có 8 mỏ khi kết thúc khai thác đáy mỏ thấp hơn so với địa hình xung quanh 86-130m, khả năng trượt lở bờ không cao. Tuy nhiên, nếu tăng độ sâu khai thác, đi kèm với các yếu tố bất lợi như: mưa lớn kéo dài, mực nước sông dâng cao, không tuân thủ các thông số khi khai thác thì nguy cơ trượt lở bờ sông Buông có thể xảy ra tại các vị trí mỏ là: Tân Cang 2, Ấp Miễu, Tân Cang 5 và Tân Cang 1. Khi đó, nước sông Buông tràn vào mỏ gây ảnh hưởng đến an toàn bờ mỏ.
Kỹ sư Nguyễn Đăng Sơn, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, cho rằng hoạt động của cụm mỏ có các nguy cơ: phát tán bụi, mất ổn định bờ mỏ và bờ sông, hạ thấp mực nước dưới đất. Trong 3 năm 2021-2023, liên đoàn đã chủ trì thực hiện Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông. Sản phẩm của dự án đã phân tích kỹ hiện trạng, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường của cụm mỏ; đưa ra các kịch bản tăng độ sâu và đề xuất định hướng khai thác đá gắn với bảo vệ môi trường.
Tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường
Môi trường xung quanh cụm mỏ hiện chịu tác động kép bởi hoạt động khai thác khoáng sản và nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác. Để khai thác khoáng sản bền vững, cần tăng cường giải pháp bảo vệ và phục hồi môi trường.
Đối với bờ mỏ và bờ sông, nhóm thực hiện Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông đưa ra giải pháp ưu tiên là tăng tính ổn định của bờ sông và bờ mỏ. Cụ thể, đầu tư xây dựng các công trình: thoát nước mưa và nước thải, nắn dòng chảy; gia cố mái bờ mỏ, làm kè 2 bên bờ sông Buông nhằm giảm thiểu hoặc hạn chế tối đa nguy cơ sạt lở. Xây dựng hồ chứa nhằm điều tiết nước, hạn chế ngập cho khu vực vào mùa mưa. Trồng thêm cây xanh để tăng độ ổn định của đất và giảm phát tán bụi. Tiếp tục duy trì các giải pháp bảo vệ môi trường đang thực hiện nhằm giảm thiểu ô nhiễm do bụi, khí ô nhiễm, tiếng ồn, chất thải rắn, nước thải.
Ông Huỳnh Kim Vũ, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (BBCC), cho rằng sớm đầu tư giai đoạn 2 đường chuyên dùng cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (chiều dài khoảng 2km, đấu nối ra đường Võ Nguyên Giáp) là phương án giảm bụi cho khu vực, giảm nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông qua nút giao đường chuyên dụng với quốc lộ 51, giảm ách tắc giao thông khu vực vòng xoay cổng 11, giảm ngập nước vào mùa mưa.
Cùng với các phương án trên, một số doanh nghiệp cho rằng, nên thành lập Ban Quản lý cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân nhằm tăng cường hoạt động giám sát khai thác theo thiết kế của các doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản.
Đối với phương án hậu khai thác, các chuyên gia đề xuất cải tạo cụm mỏ thành 2 hồ chứa nước, bàn giao cho địa phương quản lý và đưa vào quy hoạch khu du lịch.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, do có các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sông Buông nên năm 2020, tỉnh đã phê duyệt Dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai thác khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân đến môi trường và sông Buông. Đến nay, đơn vị chủ trì thực hiện là Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đã có báo cáo kết quả thực hiện dự án. Kết quả chỉ ra các nguy cơ và mức độ ô nhiễm môi trường của hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản. Đây là cơ sở để triển khai nhiệm vụ nhằm khai thác hiệu quả khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin