Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ dự án quản lý rừng gắn với phát triển kinh tế

Hoàng Lộc
07:05, 02/01/2025

Tại Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai, hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học ngày một tốt hơn; sinh kế của người dân vùng đệm và lân cận không ngừng cải thiện.

Người dân vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai được hỗ trợ vốn mua dê tạo sinh kế từ Dự án BR.
Người dân vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai được hỗ trợ vốn mua dê tạo sinh kế từ Dự án BR. Ảnh:H.Lộc

Đây là hiệu quả sau 5 năm triển khai Dự án Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế (gọi tắt là Dự án BR).

Cải thiện sinh kế cho người dân

Năm 2019, được sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Chương trình Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên và môi trường triển khai Dự án BR tại 4 địa phương, trong đó có Đồng Nai. Một trong các mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng nhằm giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các khu DTSQ.

Xã Gia Canh (huyện Định Quán) được Dự án BR hỗ trợ mô hình cải thiện sinh kế bằng chăn nuôi cho cộng đồng, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Khu DTSQ Đồng Nai có diện tích 756 ngàn hécta thuộc địa phận 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông. Năm 2019, Khu DTSQ Đồng Nai là một trong 4 đơn vị được chọn triển khai Dự án BR.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Canh Nguyễn Xuân An cho biết, thời gian qua, hơn 400 hộ dân của xã được hỗ trợ vốn (hình thức xoay vòng) từ Dự án BR. Nhờ nguồn vốn này, người dân mua dê, mua bò, cải tạo đất trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc, nâng cao đời sống. Từ chỗ sinh kế được cải thiện, việc chặt phá rừng, săn bắt thú và buôn bán lâm sản trái phép gần như không còn.

Dự án Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trái cây có múi và xoài tại 3 xã: Mã Đà, Hiếu Liêm (nay là xã Trị An) và Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại Khu DTSQ Đồng Nai cũng được Dự án BR tài trợ vốn cho người dân.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý Đặng Thị Lương cho biết, thời gian qua, xã có hơn 200 hộ dân được hỗ trợ vốn từ dự án với số tiền gần 1 tỷ đồng. Nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động sản xuất, chế biến, tiếp cận thị trường từ dự án mà năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng lên. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và giảm áp lực lên khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Khu DTSQ Đồng Nai.

Ngoài ra, Dự án BR còn hỗ trợ triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần đem lại thu nhập ổn định và cải thiện sinh kế cho người dân.

Theo đánh giá của Ban Triển khai Dự án BR, các hoạt động hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân ở khu vực vùng đệm, vùng chuyển tiếp và vùng ngoài Khu DTSQ Đồng Nai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (Thành phố Hà Nội), tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân nhằm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Riêng tại Đồng Nai, hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế mà Dự án BR mang lại tác động tích cực cả về mặt kinh tế - xã hội, lẫn sinh thái và môi trường cho khu vực.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giữ rừng

Mục tiêu chính Dự án BR hướng đến là tăng cường và nâng cao công tác quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu DTSQ.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai, cho hay dự án đã giúp Khu DTSQ Đồng Nai nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; hỗ trợ khu bảo tồn giải quyết một số nhiệm vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời lồng ghép hiệu quả vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với vùng lõi, dự án hỗ trợ phục hồi khoảng 2 ngàn hécta rừng bị suy thoái, cải thiện sinh cảnh 732 hécta rừng. Hoạt động này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết đối với công tác quản lý tài nguyên rừng của vùng lõi…

Quan trọng hơn, dự án góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý từ cấp tỉnh, người dân và cộng đồng. Tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, tạo tiền đề để phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động kinh tế bền vững khác.

Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, vườn quốc gia là một trong 2 vùng lõi của Khu DTSQ Đồng Nai. Thời gian đầu, việc triển khai Dự án BR gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, quá trình làm việc với chủ dự án, đơn vị tư vấn và cả chuyên gia thì năng lực chuyên môn và công tác tổ chức các nhiệm vụ của cán bộ, công nhân viên dần được cải thiện. Ông Thanh mong muốn dự án kết thúc nhưng các hoạt động vẫn được duy trì và lan tỏa nhằm phát triển bền vững khu DTSQ.

Bà Trần Kim Tĩnh, điều phối viên Dự án BR, đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đồng Nai với vai trò là Trưởng ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Dự án BR đạt được hầu hết mục tiêu đề ra: phục hồi rừng suy thoái, bảo vệ nghiêm ngặt rừng và đa dạng sinh học 2 vùng lõi, hàng trăm hộ gia đình được hưởng lợi từ các mô hình sinh kế bền vững, điểm theo dõi hiệu quả quản lý của khu DTSQ tăng…

“Kết quả dự án mang lại là giúp Đồng Nai quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế bền vững. Đây cũng là mục tiêu mà Tổ chức UNDP đặt ra khi tài trợ 6,6 triệu USD cho dự án này tại 4 địa phương” - bà Tĩnh chia sẻ.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều