Đồng Nai đang hoàn thiện chỉ thị về tăng cường quản lý tài nguyên nước dưới đất (còn gọi nước ngầm) nhằm giảm khai thác và giảm các hệ lụy do khai thác nước ngầm gây ra.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi kiểm tra giếng nước ngầm trong khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch. Ảnh:H.Lộc |
Việc này cần triển khai quyết liệt và đồng bộ để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ tài nguyên nước ngầm và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gia tăng hạn hán, sụt lún, ô nhiễm nước ngầm
Nhiều năm nay, huyện Cẩm Mỹ có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy thấp nhất tỉnh. Phần lớn người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và từ một số công trình cấp nước sạch nông thôn (giếng khoan). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giảm và gia tăng ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Báo cáo kết quả quan trắc nước ngầm ban hành tháng 9-2024 của Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) cho thấy, mùa khô năm 2024, mực nước ngầm khu vực huyện Cẩm Mỹ suy giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công trình TD6 tại xã Xuân Tây cạn nước từ tháng 2 đến tháng 5-2024, công trình TD5 tại xã Bảo Bình có mực nước thấp hơn -50m tính từ miệng giếng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ cấp phép thăm dò, khai thác nước ngầm; không cấp phép ở khu vực hạn chế khai thác và khu vực đã có hệ thống nước máy. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết các khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, khu vực chất lượng nước không đạt quy chuẩn cho phép.
Tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Biên Hòa, chất lượng nước ngầm ở hầu hết các công trình có thông số dinh dưỡng và kim loại không đạt quy chuẩn. Chẳng hạn, thành phố Biên Hòa có 4 công trình ô nhiễm kim loại chì, 3 công trình ô nhiễm kim loại sắt, 2 công trình ô nhiễm kim loại crom, 1 công trình ô nhiễm asen và hầu hết công trình có chỉ số pH dưới ngưỡng cho phép.
Theo Phó giám đốc Sở TNMT Trần Trọng Toàn, nhiều khu vực quan trắc phát hiện thông số không đạt so với quy chuẩn cho phép. Sở đã có thông báo đến UBND các huyện, thành phố và cơ quan truyền thông để khuyến cáo người dân hạn chế khai thác, sử dụng nước ngầm ở những khu vực bị ô nhiễm. Trường hợp ở khu vực nước ngầm bị ô nhiễm nhưng chưa có nước máy thì tổ chức, cá nhân trước khi sử dụng nước ngầm phải có biện pháp xử lý phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phó giám đốc Sở TNMT Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh từng bước được thực hiện theo quy định và có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, công tác phối hợp, tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ nước ngầm vẫn còn bất cập và thiếu sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt chậm dẫn đến khai thác nước ngầm còn nhiều. Tại một số khu vực, chất lượng nước ngầm suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng trực tiếp. Xuất hiện các yếu tố thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có một phần nguyên nhân do khai thác nước ngầm quá mức.
Phục hồi và tái tạo tài nguyên nước
Nước là tài nguyên nên việc quản lý, khai thác, sử dụng phải tuân theo quy định của pháp luật. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và tối ưu hóa lợi ích nước ngầm mang lại; đồng thời chủ động, ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở TNMT đã xây dựng Dự thảo Chỉ thị tăng cường quản lý tài nguyên nước ngầm.
Dự thảo chỉ thị quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các hành vi nghiêm cấm làm suy giảm trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước; phục hồi và tái tạo nước. Cùng với đó là quy định vùng hạn chế khai thác nước ngầm.
Phó giám đốc Sở TNMT Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, giải pháp để bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước ngầm là đẩy nhanh các dự án cung cấp nước sạch từ hệ thống nước mặt cho sản xuất và sinh hoạt; sở, ngành, địa phương siết chặt cấp phép khoan giếng mới và không gia hạn cho các giấy phép đã hết hạn; tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp chuyển sang dùng nước máy thay vì sử dụng nước giếng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số cơ học và đô thị hóa đang gây áp lực nhất định đối với công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả gắn với phục hồi và tái tạo nguồn tài nước là nhiệm vụ cần thiết. Ngoài Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành luật của Trung ương, UBND tỉnh còn chủ động xây dựng và sắp tới ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước ngầm.
Chỉ thị này là cơ sở pháp lý để các sở, ban, ngành; người dân, doanh nghiệp thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng nước ngầm bền vững. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các sở, ngành, địa phương quan tâm đến các giải pháp phục hồi, tái tạo nguồn tài nguyên này. Đó là nâng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trước khi thải ra sông, suối; phát triển hệ thống thủy lợi để dẫn nước sông về các vùng khan hiếm nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh đầu tư, đấu nối đưa nước máy về nông thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin