Năm 2024, Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đã có nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi, mục tiêu là để phát triển kinh tế của đất nước. Hàng loạt chương trình nghị sự, thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được thực hiện, ký kết, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội nghị Kết nối giao thương Việt - Nhật 2024 do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh:V.Gia |
Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định muốn tăng trưởng kinh tế được 2 con số như kỳ vọng thì ngoại giao kinh tế được coi là lĩnh vực phải tạo ra đột phá.
Nhiều hoạt động sôi nổi
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, năm 2024, Việt Nam đã có nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi. Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trong năm 2024 thì ngoại giao kinh tế là một phần quan trọng. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam tiếp tục được nâng tầm, nâng cấp.
Việt Nam làm mới động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn. Đồng thời, khai thác thêm những thị trường mới, từ đó đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 800 tỷ USD và xuất khẩu thuộc tốp 30 thế giới.
Năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam tập trung thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do để khai thác lợi thế cạnh tranh. Đánh giá các đối tác để xác định những vấn đề có thể hợp tác, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp các nước.
Điều đó đã đưa Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn của các tập đoàn lớn trên thế giới. Các Tập đoàn Apple, Intel, Google, Nvidia, Samsung, LG, Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens… đã đầu tư, mở rộng đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Mới đây, tập đoàn Nvidia đã ký với Chính phủ Việt Nam thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Tiếp theo Trung tâm R&D của Samsung, LG cũng dự kiến khai trương Trung tâm R&D thứ 3 tại Việt Nam…
Đối với Đồng Nai, trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác, địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài trên thế giới. Tính đến nay, Đồng Nai đã thiết lập và ký kết 41 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh lần đầu với 12 quốc gia trên thế giới và thực hiện tái ký kết 14 thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh với các địa phương, đối tác nước ngoài. Riêng năm 2024, Đồng Nai ký kết 5 thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh, 4 bản thỏa thuận cấp sở. Tỉnh cũng tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn và 4 đoàn cấp tỉnh lồng ghép, kết hợp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại ngoài nước. Năm 2024, Đồng Nai xuất khẩu đạt gần 24 tỷ USD, tăng gần 11%.
Tạo đột phá về ngoại giao kinh tế
Mặc dù đã đạt được thành tích quan trọng, tuy nhiên, ngoại giao kinh tế vẫn còn những hạn chế như chưa tận dụng hiệu quả và đầy đủ từ việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược chưa tương xứng với khuôn khổ hợp tác. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, ngoại giao kinh tế phải thực sự trở thành nội hàm then chốt trong tất cả các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Thời gian tới, tình hình quốc tế sẽ ngày càng phức tạp, đan xen cơ hội và thách thức, trong đó mặt thách thức vẫn nổi trội. Do đó, cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá về ngoại giao kinh tế.
Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới; ngoại giao kinh tế cần có đóng góp nhiều hơn để thực hiện mục tiêu này.
Theo Thủ tướng, ngoại giao kinh tế là động lực mới, quan trọng, do đó phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; xúc tiến thương mại, đầu tư thực chất, hiệu quả hơn và đẩy mạnh ngoại giao trên các lĩnh vực.
Tại Đồng Nai, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tỉnh đang rất quan tâm các giải pháp đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường thuộc 3 nhóm mũi nhọn là công nghệ hàng không; công nghệ bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo AI; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin. Trong quy hoạch, Đồng Nai dành diện tích đất cao su lớn, thuận lợi công tác giải phóng mặt bằng phát triển thêm các khu công nghiệp mới, với diện tích 18,5 ngàn hécta đất công nghiệp. Đồng Nai quy hoạch khu công nghệ cao khoảng 500 hécta và khu công nghiệp công nghệ thông tin 100 hécta để thu hút nhà đầu tư công nghệ cao. Do vậy, tỉnh rất mong được Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Đồng Nai kết nối, tổ chức công tác xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ cao, hiện đại trong thời gian tới.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin