Tại buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vào ngày 6-12 về việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan tại Cục Hải quan Đồng Nai, một số doanh nghiệp (DN) của Đồng Nai đã nêu những vướng mắc, hạn chế trong thực hiện thủ tục hải quan, đồng thời kiến nghị sớm có giải pháp tháo gỡ.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiểm tra thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Biên Hòa. Ảnh: N.Liên |
Theo các DN, những vướng mắc về thủ tục hải quan là cách xác nhận những thông tin về mã hàng hóa (HS), giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO), chứng nhận phương tiện vận chuyển hàng hóa đối với hàng hóa quá cảnh… đã ảnh hưởng đến thông quan hàng hóa.
Một số hạn chế về thủ tục hải quan
Đồng Nai là địa bàn trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ về thu hút đầu tư, trong đó có hàng ngàn DN trong và ngoài nước có hàng hóa xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trung bình hàng năm của Đồng Nai lên đến hàng chục tỷ USD. Mỗi năm, Đồng Nai tiếp nhận và giải quyết hàng triệu tờ khai hải quan.
Từ 10 năm trước, với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu DN trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, ngành hải quan đã đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua áp dụng rộng rãi hải quan điện tử, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan, hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả.
Theo thống kê từ Cục Hải quan Đồng Nai, thời gian thông quan hàng hóa trung bình năm 2023 cho một lô hàng hóa xuất khẩu là 4 phút 39 giây và lô hàng nhập khẩu là 90 phút. Hiện 100% DN thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do đã phát triển từ sớm nên đến nay hệ thống giải quyết thủ tục hải quan đã xuống cấp, xuất hiện tình trạng lỗi mạng, mạng chậm khiến cho quá trình thông quan hàng hóa của DN bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số DN xuất, nhập khẩu cho rằng, việc thực hiện một số thủ tục hải quan; quy trình đánh giá, phản hồi tờ khai hải quan vẫn còn những bất cập, gây khó khăn cho DN.
Chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho biết, thời gian qua, Cục Hải quan Đồng Nai có những hỗ trợ tích cực đối với DN. Trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, DN vẫn còn gặp những khó khăn như: mã hàng hóa, chứng nhận xuất xứ hàng hóa; đánh giá hiệu suất năng lượng đối với hàng hóa, thiết bị nhập khẩu; việc áp thực hiện các quy định giữa bộ, ngành và cơ quan quản lý chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho DN, thậm chí có trường hợp DN bị sai phạm do thiếu thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai Nguyễn Văn Ban chia sẻ, Cảng Đồng Nai là cảng lớn, thông thương quốc tế tất cả các mặt hàng. Khi hàng hóa tới cảng thì phải nhanh chóng vận chuyển đi, nhưng quá trình thực hiện thủ tục hải quan hàng hóa tại cảng, hệ thống thủ tục hải quan thường xuyên bị chậm, gây chậm trễ thông quan hàng hóa vì tờ khai chưa được giải quyết. Vì vậy, DN mong ngành hải quan sớm có phương án nâng cấp hệ thống hải quan điện tử để giải quyết thủ tục hàng hóa nhanh hơn.
Chủ động xây dựng giải pháp cải cách thủ tục hải quan
Cục Hải quan Đồng Nai được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận với cơ cấu tổ chức 17 đơn vị, bao gồm 9 phòng, ban và 8 chi cục. Trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận hiện có 40 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 90%, có 2 địa điểm thông quan nội địa (ICD), 23 kho ngoại quan, 11 cảng thương mại tổng hợp, 13 cảng chuyên dụng đã được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tàu nước ngoài và tàu Việt Nam ra vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa.
Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Lê Văn Thung cho biết, với địa bàn quản lý rộng, trong điều kiện thiếu nhân sự, để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục Hải quan Đồng Nai đã triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các chương trình phần mềm quản lý đối với công tác quản lý nhân sự, quản lý văn bản; các chương trình phục vụ cho công tác nghiệp vụ như: tư vấn thủ tục hải quan, tra cứu biểu thuế, mã số thuế, kho ngoại quan, các thủ tục đăng ký thuế… Trong quá trình hoạt động, Cục Hải quan Đồng Nai luôn đồng hành, hỗ trợ DN, những khó khăn vướng mắc sẽ được ưu tiên giải quyết sớm.
Giải thích về những hạn chế trong quá tình thực hiện thủ tục hải quan, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trần Đức Hùng cho biết, hệ thống công nghệ thông tin của ngành hải quan được đưa vào sử dụng từ năm 2014, đến nay đã khá nhiều “tuổi”. Từ năm 2018, tổng cục đã đề xuất Bộ Tài chính chuyển đổi hệ thống nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, tổng cục thay thế và nâng cấp phần mềm để giúp duy trì hoạt động của hệ thống trong quá trình chờ được thay đổi một hệ thống hoàn toàn mới.
Ông Trần Đức Hùng nhấn mạnh, những DN phản ánh về hạn chế, bất cập trong công tác hải quan sẽ được tổng cục ghi nhận, giám sát và có hướng xử lý, tạo điều kiện cho DN hoạt động.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin