Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tốc đầu tư hệ thống giao thông kết nối

Phạm Tùng
08:19, 02/12/2024

Hơn 1 năm nữa, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối, đặc biệt là với Thành phố Hồ Chí Minh cũng được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Thi công dự án 2 tuyến giao thông T1, T2 kết nối Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng
Thi công dự án 2 tuyến giao thông T1, T2 kết nối Sân bay Long Thành. Ảnh: P.Tùng

Theo tính toán của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Sân bay Long Thành khi hoàn thành với lưu lượng 80% hành khách quốc tế hầu hết đều có nhu cầu đi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy nhanh tiến độ các tuyến kết nối chính

Để phục vụ khai thác Sân bay Long Thành, mạng lưới giao thông kết nối sẽ có các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, hệ thống đường bộ vẫn là “xương sống” để phục vụ khai thác.

Trong quy hoạch xây dựng Sân bay Long Thành, 2 tuyến giao thông kết nối với sân bay (T1, T2) sẽ là những trục chính kết nối với các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ để phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Hạng mục xây dựng hai tuyến giao thông T1, T2 thuộc gói thầu 6.12, Dự án Thành phần 3, Dự án Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 do ACV làm chủ đầu tư. Gói thầu này được khởi công xây dựng vào tháng 7-2023.

Theo ACV, sau hơn 1 năm triển khai thi công, liên danh nhà thầu đã huy động trên công trường gần 800 nhân sự và hàng trăm máy móc, trang thiết bị. Đến nay, giá trị khối lượng thi công đã đạt hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, tương đương với hơn 55% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết. Dự kiến, các hạng mục của tuyến T1, T2 sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2025 để phục vụ khai thác Sân bay Long Thành.

Cùng với 2 tuyến giao thông do ACV làm chủ đầu tư, các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối với tuyến T1 để hình thành trục kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác hiện cũng đang trong quá trình thi công.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh xem xét bổ sung 5 tuyến xe buýt từ Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với Sân bay Long Thành nhằm tăng cường khả năng vận tải hành khách công cộng khi sân bay này đưa vào khai thác trong năm 2026.

Trong đó, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đều có tiến độ hoàn thành trong năm 2026.

Về phía tỉnh Đồng Nai, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã có ý kiến thống nhất bổ sung 2 Dự án Nâng cấp đường tỉnh 25B và Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 25C vào danh sách công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện. Các tuyến đường tỉnh 25B và 25C là các tuyến giao thông sẽ kết nối với tuyến T1 để phục vụ kết nối Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện các dự án nâng cấp đường tỉnh 25B và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 25C đã được giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, cho hay với Dự án Nâng cấp đường tỉnh 25B, đơn vị đang triển khai mời thầu, dự kiến khởi công vào cuối năm 2024.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng dự kiến triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường tỉnh 769E, kết nối Sân bay Long Thành với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2025.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, tuyến đường tỉnh 769E sẽ đóng vai trò kết nối trực tiếp với khu vực phía Bắc Sân bay Long Thành đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các huyện có tuyến đường đi qua nói riêng và của tỉnh nói chung. Đồng thời, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông, tránh tình trạng các phương tiện tập trung về khu vực phía Nam Sân bay Long Thành gây quá tải cho các tuyến giao thông khu vực.

Sớm mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Trong khi tiến độ các tuyến giao thông kết nối với tuyến T1 của Sân bay Long Thành đang được triển khai thi công thì Dự án Mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện vẫn trong quá trình lựa chọn phương án đầu tư.

Trong quy hoạch, tuyến T2 sẽ kết nối trực tiếp với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để hình thành trục kết nối chính giữa Sân bay Long Thành với đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, cả ACV cũng như tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện mở rộng tuyến cao tốc này để đáp ứng nhu cầu khai thác Sân bay Long Thành.

Theo phương án được đề xuất, Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành có tổng chiều dài gần 22km. Trong đó, đoạn từ nút giao với đường vành đai 2 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lên quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.

Đoạn từ nút giao với đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đầu tư mở rộng quy mô 10 làn xe theo quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án gần 15 ngàn tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án đầu tư Dự án Mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ rõ những ưu điểm khi giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện đầu tư dự án. Đồng thời lưu ý, trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện đầu tư dự án, theo Luật Đầu tư công sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), Thủ tướng Chính phủ có thể cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để giao cho doanh nghiệp nhà nước (VEC) đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều