Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) vừa có hướng dẫn xử lý kiến nghị của một số địa phương về việc thực hiện thủ tục đất đai đối với hoạt động du lịch trên đất nông nghiệp.
Một điểm đến du lịch nông nghiệp tại huyện Định Quán đang chờ gỡ vướng thủ tục đất đai. Ảnh: N.Liên |
Đây là vấn đề nhiều người dân ở những khu vực có tiềm năng khai thác, phát triển du lịch trên đất nông nghiệp ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu… đang rất quan tâm.
Khai thác du lịch trên đất nông nghiệp
Đồng Nai là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM). NTM đã thay đổi diện mạo của những vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nông dân Đồng Nai phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra những giá trị lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều địa phương đã tận dụng những thành quả từ xây dựng NTM về hạ tầng giao thông, cảnh quan thiên nhiên và những sản phẩm nông nghiệp để khai thác, phát triển du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương. Ngoài ra, một số vùng có năng suất sản xuất nông nghiệp không cao, người dân đã cải tạo, trang trí vườn rẫy để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập. Đáng chú ý, một số điểm đến còn được nhận giải thưởng từ các tổ chức trên thế giới.
Đối với cá nhân có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp một bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện. Tổ chức có nhu cầu sử dụng đất kết hợp đa mục đích nộp bộ hồ sơ đăng ký sử dụng đất kết hợp đến cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh. |
Là huyện vùng cao có diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn với nhiều loại cây ăn trái như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, cam quýt…, cùng với địa hình và cảnh quan thiên nhiên khá đẹp, những năm gần đây, huyện Định Quán phát triển khá nhiều mô hình du lịch nông nghiệp. Những điểm đến như: Danh thắng Đá Ba Chồng, Tropical Eglamping, Panorama Glamping, Lưng Chừng Mây, Thác Ba Giọt… đang là những cái tên nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút du khách từ nhiều nơi tìm đến.
Đáng chú ý, nhiều điểm đến tại Định Quán được người dân tận dụng từ những vườn cây kém hiệu quả để khai thác du lịch. Tại các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Tân Phú và thành phố Long Khánh cũng phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp trong thời gian qua.
Tuy nhiên, hầu hết các điểm đến trên đất nông nghiệp đều đang vướng các thủ tục về đất đai. Đây chính là rào cản khiến cho các điểm đến khó phát triển, nhất là vấn đề xây dựng các công trình, hạng mục phục vụ du khách như: nhà vệ sinh, điểm lưu trú… Thậm chí, nhiều cơ sở phải tự tháo dỡ công trình do chưa đúng quy định pháp luật.
Gỡ vướng về đất đai
Từ khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, nhiều hộ dân cũng như chính quyền địa phương đã quan tâm, chờ các cơ quan chức năng có hướng dẫn để người dân thực hiện các thủ tục về đất đai, hoàn thiện điểm đến theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh cho biết, thời gian qua, hiệp hội đã nhận được nhiều kiến nghị từ các hộ dân tại các huyện: Cẩm Mỹ, Định Quán, Vĩnh Cửu, thành phố Long Khánh… kiến nghị về vướng mắc trong quá trình hình thành các sản phẩm du lịch trên đất nông nghiệp. Hiệp hội Du lịch Đồng Nai cũng đã tổng hợp, gửi lên cơ quan chức năng để kiến nghị sớm giải quyết cho các hộ dân. Nhiều người dân hy vọng Luật Đất đai năm 2024 sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến xây dựng trên đất nông nghiệp để người dân khai thác du lịch.
Điều 99 Nghị định 102 quy định về trình tự thủ tục, hồ sơ sử dụng đất kết hợp đa mục đích gồm: văn bản đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích; phương án sử dụng đất kết hợp; giấy chứng nhận đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ quy định. |
Mới đây, Sở TNMT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các thủ tục đất đai đối với hoạt động du lịch trên đất nông nghiệp. Theo Sở TNMT, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2024. Để thực hiện các thủ tục đất đai về du lịch, Sở TNMT yêu cầu các cơ sở áp dụng.
Theo quy định tại Điều 218, Luật Đất đai năm 2024, đất kết hợp đa mục đích là đất nông nghiệp, được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Theo đó, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng 7 yêu cầu: không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất đã được xác định tại các loại giấy tờ quy định; không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và các chế độ khác…
Để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo Luật Đất đai mới, người dân phải áp dụng các quy định cụ thể tại Điều 99 Nghị định 102. Theo đó, sử dụng đất kết hợp đa mục đích là việc sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác. Mục đích sử dụng đất chính là mục đích của thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phó giám đốc Sở TNMT Trần Thế Vinh cho biết, việc thực hiện các quy định đất đai theo Luật Đất đai mới từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ. Do đó, trên cơ sở hướng dẫn của Sở TNMT, các hộ dân cần tìm hiểu kỹ và chuẩn bị hồ sơ để thực hiện. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, nếu phát sinh vấn đề, các hộ dân có thể phản ánh qua các cơ quan liên quan để được hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin