Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm nông nghiệp tuần hoàn theo hướng hữu cơ

Bình Nguyên
07:05, 16/12/2024

Hiện nay, Đồng Nai đang khuyến khích nhân rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ (HC) theo quy trình khép kín. Trong đó, nông dân tận dụng chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp sử dụng men vi sinh ủ thành phân bón HC, tự làm thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, sử dụng thảo dược trong thức ăn chăn nuôi vừa giảm chi phí sản xuất, vừa làm ra sản phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam (bìa trái), khảo sát mô hình trồng măng cụt theo hướng hữu cơ tại huyện Thống Nhất.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam (bìa trái), khảo sát mô hình trồng măng cụt theo hướng hữu cơ tại huyện Thống Nhất. Ảnh:B.Nguyên

Mô hình này được nhân rộng nhờ các địa phương của Đồng Nai thu hút được doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. DN thực sự trở thành đầu tàu thúc đẩy, phát triển các chuỗi trồng trọt, chăn nuôi HC.

Doanh nghiệp là “đầu tàu”

Năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) và UBND tỉnh Đồng Nai đã ký kết hợp tác xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp HC theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Từ đó đến nay, Tập đoàn Quế Lâm từng bước chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ HC, HC vi sinh cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai. Khi có sản phẩm, DN sẽ hỗ trợ trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, kênh phân phối các sản phẩm HC của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm kiêm Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, muốn làm nông nghiệp HC cần phải đặt lợi ích của cộng đồng lên trên. Vì để hoàn thiện, chuẩn hóa được quy trình nuôi heo theo hướng HC, Tập đoàn Quế Lâm đã mất hàng chục ngàn con heo nuôi thí điểm; mất rất nhiều mồ hôi, công sức để chuẩn hóa từng mô hình trồng trọt theo hướng HC gắn với nông nghiệp tuần hoàn.

Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai các mô hình nuôi heo, trồng lúa, bưởi, măng cụt, sầu riêng… theo hướng HC tại các huyện Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất. Nổi bật là mô hình trồng lúa theo hướng HC tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Từ thí điểm ban đầu với vài sào lúa, đến nay, mô hình trồng lúa theo hướng HC đã nhân rộng lên gần 19 hécta với tổng diện tích lúa theo hướng HC đã làm qua các vụ là hơn 44 hécta. Sản phẩm gạo sạch đã bước đầu có thương hiệu, bán với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.

Công ty TNHH Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc) cũng là DN “đầu tàu” trong làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp HC theo chuỗi khép kín. Đây là DN tiên phong xây dựng quy trình khép kín, biến nguồn chất thải chăn nuôi có hại cho môi trường thành nguyên liệu sản xuất phân bón HC mang lại giá trị kinh tế cao. DN này cũng đầu tư trang trại trồng các loại rau, trái trong nhà màng theo chuẩn HC.

Ông Tạ Quang Khánh, Phó giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt chia sẻ, nhiều năm qua, DN vừa sản xuất phân bón HC vừa trồng các loại cây trồng theo quy trình sản xuất HC. Làm nông nghiệp HC rất khó vì mọi tiêu chuẩn đều rất khắt khe. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp HC bán ra thị trường rất khó cạnh tranh vì chi phí đầu tư lớn, trong khi năng suất thấp hơn, mẫu mã không bắt mắt bằng sản phẩm sử dụng phân, thuốc kích thích… Tuy đây là hành trình khó khăn nhưng DN vẫn kiên trì đi theo hướng này và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, cùng đồng hành với nông dân để nhân rộng mô hình sản xuất HC vì lợi ích lâu dài của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Thu hút nông dân đầu tư

Theo báo cáo của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, thời gian qua, hội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động phong phú, thiết thực và đạt được những kết quả nổi bật. Các hoạt động của hội luôn hướng về chủ thể chính là nông dân tham gia làm nông nghiệp tuần hoàn khắp cả nước; tuyên truyền, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn với nhiều cây trồng, vật nuôi theo chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm kiêm Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, chia sẻ: “Thực hiện nông nghiệp HC là rất khó nên phải làm từ những mô hình nhỏ nhất rồi từ đó nhân rộng. Chúng tôi cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật bám sát từng hộ nông dân để hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho họ làm đúng quy trình. Làm nông nghiệp HC phải gắn với nông nghiệp tuần hoàn để lấy cái này nuôi cái kia thì mới có kinh tế bền vững; vừa bảo vệ sức khỏe của đất, của cây, con, của người nông dân và bảo vệ được môi trường”.

Ông Nguyễn Phạm Xuân Vũ, nông dân xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cho hay, nhiều năm trước, ông từng làm nông nghiệp theo hướng HC vì việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hóa học gây hại rất nhiều về sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nhưng khi chuyển đổi thì chi phí đầu tư cao hơn mà năng suất, chất lượng trái cây không đạt, không đẹp bằng cách làm truyền thống nên ông chưa dám mạnh dạn thay đổi. Theo ông Vũ: “Được đi tham quan trực tiếp mô hình sản xuất theo hướng HC của Tập đoàn Quế Lâm, tôi thấy mô hình rất hay và hiệu quả. Khi tham gia chuỗi liên kết với DN này, nông dân được DN hỗ trợ 50% phân bón HC, có cán bộ kỹ thuật theo sát hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và đặc biệt là đầu ra được DN cam kết bao tiêu nên tôi mạnh dạn chuyển đổi”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm - sầu riêng Lạc Sơn tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất cho biết, hợp tác xã hiện đã phát triển được hơn 120 hécta sầu riêng. Nhiều năm qua, các xã viên đã dần chuyển đổi sản xuất theo hướng HC. Tại hợp tác xã đang triển khai mô hình thí điểm trồng sầu riêng theo hướng HC của Tập đoàn Quế Lâm. Mong muốn của hợp tác xã là tham gia chuỗi liên kết để chuyển đổi sang sản xuất an toàn, đồng thời sản phẩm làm ra có DN bao tiêu, đầu ra bền vững hơn.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều