Năm 2024, Cục Hải quan Đồng Nai (HQĐN) thu hút gần 5,6 ngàn doanh nghiệp (DN) làm thủ tục hải quan, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Cán bộ hải quan Chi cục Hải quan Nhơn Trạch kiểm tra thông tin hàng hóa tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: N.Liên |
Con số này thể hiện những nỗ lực của ngành hải quan trong quá trình chuyển đổi số, thực hiện mô hình hải quan thông minh trong quản lý để giám sát hàng hóa xuất - nhập khẩu, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chuyển đổi số để phục vụ doanh nghiệp
Theo thống kê từ Cục HQĐN, năm 2024, HQĐN có gần 5,5 ngàn DN đăng ký thực hiện thủ tục hải quan, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2023. Một số chi cục hải quan trên địa bàn tỉnh có số DN đăng ký tăng cao như: Chi cục Hải quan Nhơn Trạch tăng 46%, Chi cục Hải quan Thống Nhất tăng 21%, Chi cục Hải quan Long Bình Tân tăng 19%.
Ngành hải quan đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi, nâng cấp các phần mềm kiểm soát hải quan để DN nhanh chóng được thông quan hàng hóa. Theo đó, đối với lô hàng xuất khẩu, thời gian thông quan được giảm từ 22 phút xuống còn trên 4 phút; giảm từ 4 tiếng xuống còn 1,5 tiếng đối với hàng hóa nhập khẩu. Với những thay đổi trong công tác kiểm soát hải quan, hiện 100% DN thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử đối với lĩnh vực hải quan. Trên 99% tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện qua hệ thống thu thuế điện tử 24/7.
Năm 2024, HQĐN tiếp nhận và xử lý gần 1,5 triệu tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tờ khai nhập khẩu đạt gần 550 ngàn tờ, tăng trên 10%; tờ khai xuất khẩu đạt trên 920 ngàn tờ, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2023. |
Đối với những hoạt động hải quan quốc tế, ngành HQĐN cũng đã cố gắng khi thực hiện các thủ tục hành chính quốc tế liên thông. Cụ thể, trên hệ thống Một cửa quốc gia, Một cửa Asean, ngành hải quan đã thực hiện tiếp nhận và xử lý 100% hồ sơ thủ tục hành chính có liên quan đến công tác quản lý của 13 bộ, ngành cập nhật trên hệ thống Một cửa quốc gia trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Việc kết nối thông tin trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho các lô hàng xuất - nhập khẩu được thực hiện một cách thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao sự hài lòng của DN làm thủ tục hải quan tại đơn vị.
Hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa
Với sự chủ động trong thực hiện chuyển đổi số để phục vụ DN, ngành hải quan đã góp phần quan trọng trong việc ổn định, duy trì sự phát triển của DN và kinh tế địa phương.
Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Cảng Vopak, thuộc Công ty TNHH Vopak Việt Nam (Khu công nghiệp Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch), cho biết Vopak là cảng chuyên dùng thực hiện các dịch vụ lưu trữ hàng hóa xuất - nhập khẩu và các loại hóa chất phục vụ sản xuất của DN nên những quy định quản lý hàng hóa rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ cơ quan hải quan, hàng hóa được bảo đảm thời gian thông quan đã tạo điều kiện rất nhiều cho DN trong quá trình hoạt động.
Theo ông Hà, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng Vopak Việt Nam vẫn hoạt động tương đối ổn định. Sản lượng dự kiến năm 2024 đạt khoảng 280 ngàn tấn hóa chất, tăng khoảng 15% so với năm 2023. Vopak Việt Nam là công ty dịch vụ nên luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ hạ tầng, lắng nghe những ý kiến đóng góp của khách hàng để điều chỉnh hợp lý. Đồng thời, DN luôn tuân thủ các quy định của địa phương nên quá trình hoạt động luôn được các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi, trong đó có phần lớn từ cơ quan hải quan.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nhơn Trạch Phạm Quang Quốc cho biết, là đơn vị đóng góp số thu nhiều nhất trong số các chi cục hải quan ở Đồng Nai, phục vụ gần 2 ngàn DN, trong đó có nhiều DN nước ngoài, chi cục luôn có những thay đổi, nâng cấp hệ thống quản lý hải quan để hỗ trợ DN, đồng thời thu hút DN mới về làm thủ tục hải quan tại chi cục.
Đến nay, Chi cục Hải quan Nhơn Trạch đã triển khai sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát hàng hóa xuất - nhập khẩu, giải pháp này đã đáp ứng mục tiêu kép của ngành hải quan là từng bước hoàn thiện lộ trình hiện đại hóa hải quan và nâng cao hiệu quả công tác quản lý giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan.
Theo ông Quốc, việc sử dụng seal điện tử giúp lực lượng hải quan kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất - nhập khẩu suốt quá trình vận chuyển từ nhà máy sản xuất đến cảng đích, cảnh báo cho cơ quan hải quan để xử lý kịp thời các rủi ro cũng như các dấu hiệu gian lận của DN trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, giúp cho DN là chủ hàng, DN vận tải chủ động theo dõi chặt chẽ lô hàng, phương tiện vận chuyển trong suốt quá trình vận chuyển.
Từ đó có thể thấy, việc đổi mới phương thức quản lý bằng hệ thống seal định vị điện tử giúp ngành hải quan có một công cụ giám sát hải quan hoàn toàn chủ động, tự động, hiện đại, từng bước hoàn thiện lộ trình thực hiện Đề án Chuyển đổi hải quan số, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, góp phần tạo thuận lợi cho DN xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Đồng Nai.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin