Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai cũng như cả nước. Kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chiếm gần 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Năm 2024, Đồng Nai dự tính sẽ xuất khẩu vào Mỹ gần 7,7 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước đó. Các mặt hàng Đồng Nai xuất nhiều vào thị trường trên là giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ.
Bởi vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nên mọi biến động từ quốc gia này được các doanh nghiệp rất quan tâm. Đặc biệt, từ tháng 1-2025, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống và theo dự đoán sẽ có nhiều thay đổi về mặt chính sách giao thương. Cụ thể, có khả năng ông Donal Trump sẽ tăng thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Đồng Nai và cả nước, có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ cũng đang lo lắng không biết năm 2025, có những biến động gì để có sự chuẩn bị trước.
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và Ủy viên Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, năm 2025, về thương mại, Mỹ dự tính sẽ tăng thuế lên mức 10-20% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu. Trước mắt, sẽ áp ngay thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, thêm 10% đối với hàng hóa Trung Quốc (sau này có thể lên đến 60%). Đồng thời, Mỹ có thể sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia không sử dụng đồng USD trong giao dịch và sẽ quay trở lại áp dụng điều khoản 301 trong Đạo luật Thương mại Mỹ (năm 1974), trong đó có gắn mác “Thao túng tiền tệ”. Điều này sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu và sẽ có sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi những nước bị Mỹ áp thuế cao.
Đối với Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ vẫn có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Đồng thời, nước ta có thêm cơ hội đón các chuỗi dịch chuyển sản xuất từ một số nước chịu thuế cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải chú ý vì Mỹ sẽ tăng bảo hộ thương mại, kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tăng. Rủi ro bị gán mác “thao túng tiền tệ” tăng, chịu áp lực giải trình, thay đổi chính sách và bị áp thuế cao hơn…
Để hạn chế những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, các doanh nghiệp cần chú ý minh bạch thông tin hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ theo hướng xanh hóa, số hóa; giải quyết hiệu quả các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm như: sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, dữ liệu, thao túng tiền tệ; kiểm soát chất lượng dự án đầu tư vốn nước ngoài để giảm thiểu tình trạng “đội lốt, tránh thuế” và chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, bao gồm cả các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Hương Giang
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin