Vào dịp cuối năm, tình hình gian lận thương mại thường gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi trong bối cảnh nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều chương trình khuyến mãi lớn diễn ra, nhất là trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT).
Đại diện các nhãn hàng, thương hiệu chia sẻ với lực lượng chức năng những thông tin, dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả tại hội nghị tập huấn do Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với Hiệp hội VACIP tổ chức vào đầu tháng 12-2024. Ảnh: H.Quân |
Việc mua sắm trực tuyến (online) không chỉ là xu hướng, mà ngày càng trở thành thói quen của người tiêu dùng. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, mua sắm online cũng đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro, trong đó có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Nhiều rủi ro về hàng giả, hàng nhái
Hoạt động TMĐT ngày càng phát triển, các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua bán hàng trên mạng của người tiêu dùng gia tăng để mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ gây khó khăn cho việc xác minh, truy tìm, xử lý của lực lượng chức năng.
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) Phan Minh Nhựt nhận định, sự phát triển của TMĐT là xu hướng chung trên toàn cầu. Bên cạnh mặt tích cực của nó, nhiều đối tượng cũng lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gây thiệt hại cho quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải nâng cao và tăng cường hơn nữa hoạt động bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường TMĐT.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai NGUYỄN VĂN PHÚC nhấn mạnh, thông qua các chương trình, hội nghị tập huấn hàng thật - hàng giả sẽ giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các kênh TMĐT. |
Chị Thu Hương (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) quan ngại: “Bản thân tôi thường xuyên mua sắm trên các kênh TMĐT. Đối với các mặt hàng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, yến sào…, nhiều lúc tôi thấy có những gian hàng online rao bán với giá rẻ bất ngờ, chỉ bằng một nửa, thậm chí có sản phẩm giá chỉ bằng 1/3 so với giá chính hãng. Điều này làm tôi bất ngờ cũng như nghi ngại về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm vì giá bán quá rẻ so với thị trường”.
Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 143 vụ vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Các vi phạm chủ yếu là không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa kinh doanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Hàng hóa vi phạm phát hiện qua các kênh TMĐT chiếm số lượng lớn như: quần áo, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, thực phẩm chức năng…
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, bên cạnh những tiện ích, sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của TMĐT còn đi kèm với nhiều vấn đề phát sinh, trong đó phổ biến là các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, nổi lên là tình trạng đối tượng sử dụng mạng xã hội để livestream, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, thỏa thuận số lượng hàng hóa, buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc… để thu lợi bất chính.
“Đặc biệt, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram, Tik Tok…) lập nhóm kín để trao đổi phương thức hoạt động, cách thức để qua mặt cơ quan chức năng hoặc tạo tài khoản ảo để buôn bán hàng giả, hàng cấm…” - ông Phúc cảnh báo.
Nâng cao kỹ năng phân biệt hàng thật - hàng giả
Đầu tháng 12 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/ĐP) tỉnh phối hợp với Hiệp hội VACIP tổ chức Hội nghị Tập huấn phân biệt hàng thật - hàng giả nhãn hiệu trong hoạt động TMĐT.
Tại hội nghị, đại diện các công ty là thành viên của Hiệp hội VACIP đã trình bày, hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả dựa trên sản phẩm thực tế mang nhãn hiệu Dulux, Eagle Brand, P&G, Unilever, L'Oréal, Under Armour…
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, đại diện sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu Eagle Brand tại Việt Nam, cho biết thời gian gần đây, sản phẩm dầu xanh Con Ó mang nhãn hiệu Eagle Brand bị làm giả rất nhiều trên thị trường. Do đó, thông qua buổi tập huấn phân biệt hàng thật - hàng giả, nhãn hàng cùng với cơ quan chức năng trên địa bàn Đồng Nai có những trao đổi thông tin liên quan. Từ đó, góp phần giúp cơ quan chức năng nhận biết các dấu hiệu về hàng giả, tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả trên địa bàn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh…
Ông Phan Minh Nhựt chia sẻ thêm: “Hiện nay, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được sản xuất rất tinh vi nên người tiêu dùng rất khó phân biệt, đặc biệt là trên môi trường TMĐT. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị hãy là người tiêu dùng thông minh, hãy tìm hiểu và mua sản phẩm ở đại lý, nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng, được chủ thể nhãn hiệu ủy quyền kinh doanh, phân phối sản phẩm”.
VACIP và các thành viên của mình luôn tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi trong hoạt động tập huấn, phân biệt hàng thật - hàng giả mạo nhãn hiệu. Qua đó phân tích và xác định bằng văn bản cho cơ quan thực thi trong thời gian sớm nhất để làm cơ sở cho hoạt động xử lý vi phạm.
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin