Khu công nghiệp (KCN) Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) được thành lập từ năm 2006. Qua nhiều năm thành lập và đi vào hoạt động, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của KCN này đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Khu công nghiệp Thạnh Phú hiện vẫn còn vướng mặt bằng gây khó khăn cho đầu tư đồng bộ hạ tầng. Ảnh: V.Gia |
Dù KCN Thạnh Phú có vị trí đắc địa khi kề cận thành phố Biên Hòa và đã thành lập từ lâu nhưng việc chậm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến đầu tư hoàn thiện hạ tầng đồng bộ và thu hút đầu tư. Do đó, mới đây, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu trước Tết Nguyên đán 2025 hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Khu công nghiệp đắc địa vẫn chờ giải phóng mặt bằng
Theo Sở Tài nguyên và môi trường, Dự án KCN Thạnh Phú phải thu hồi hơn 114 hécta. Diện tích đất bị thu hồi chủ yếu thuộc địa bàn xã Thạnh Phú và có gần 0,7 hécta của thành phố Biên Hòa.
Tại buổi giải trình (lần 5) giữa 2 kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh năm 2024 về dự án vào ngày 15-11, UBND huyện Vĩnh Cửu đã báo cáo tiến độ, kết quả xử lý bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Trần Văn Thành và 140 trường hợp có liên quan để thực hiện Dự án KCN Thạnh Phú theo Thông báo kết luận số 393/TB-BPC ngày 16-6-2023 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Cụ thể, đối với Dự án KCN Thạnh Phú, UBND huyện Vĩnh Cửu đã ban hành 2 quyết định thu hồi đất của hộ ông Thành với tổng diện tích hơn 7 hécta. Ông Thành đã nhận đủ số tiền bồi thường và bàn giao phần lớn đất cho đơn vị chức năng, còn 0,2 hécta chưa bàn giao. Cho rằng việc áp giá bồi thường không đúng với đơn giá Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường, ông Thành đã có các văn bản khiếu nại và chưa bàn giao phần đất còn lại.
Khu vực KCN Thạnh Phú thời gian qua có rất nhiều biến động về đất đai khi giá cả tăng 2-3 lần so với 4-5 năm trước, các hồ sơ đất đai lại phức tạp, nếu không có sự linh hoạt trong giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn. |
Ngày 10-6-2020, UBND tỉnh đã có văn bản, trong đó giao UBND huyện Vĩnh Cửu phê duyệt phương án bồi thường bổ sung cho 141 hộ dân (bao gồm hộ ông Trần Văn Thành) đã có phê duyệt phương án bồi thường theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, nhưng chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí để chi trả trước ngày 1-7-2014. Giá đất để tính tiền bồi thường, bổ sung được thực hiện theo Quyết định số 3314/QĐ-UBND ngày 21-10-2019 của UBND tỉnh.
Hiện tại, có 123 trường hợp đã phê duyệt bổ sung giá đất; trong đó 43 trường hợp/7,5 hécta/63,5 tỷ đồng đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng; 14 trường hợp/0,35 hécta/1,35 tỷ đồng chủ đầu tư đã chuyển tiền bồi thường nhưng các hộ dân chưa nhận và chưa bàn giao mặt bằng; 66 trường hợp/15,5 hécta/149 tỷ đồng, chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ. 18 trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường (bao gồm hộ ông Trần Văn Thành) do đã nhận tiền bồi thường năm 2017 và năm 2018, trước thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3314, tuy nhiên ngoài hộ ông Thành thì các hộ dân này không có khiếu nại.
Ngoài ra, KCN Thạnh Phú qua rà soát cũng còn 21 trường hợp với 7,64 hécta chưa phê duyệt phương án bồi thường. Đối với các trường hợp này, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu đang rà soát, tham mưu xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Cần sớm hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án này thời gian qua còn chậm do phát sinh các vướng mắc, việc chậm chuyển tiền chi trả, biến động giá đất tăng khiến cho một số hộ dân không đồng thuận về giá tiền bồi thường; một số hộ dân không đồng thuận về quy hoạch KCN...
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Lê Nguyễn Song Toàn, việc thực hiện dự án kéo dài, trải qua nhiều thời kỳ, lưu trữ hồ sơ gặp khó khăn, việc củng cố hồ sơ pháp lý của các hộ dân đã phê duyệt phương án bồi thường nhưng các hộ dân không đồng thuận cũng làm kéo dài công tác này. Bên cạnh đó, các hộ dân trong vùng dự án chưa nhận đất tái định cư do có nguyện vọng tái định cư tại xã Thạnh Phú nhưng hiện tại quỹ đất để thực hiện tái định cư trên địa bàn xã đã tạm hết.
Về phía chủ đầu tư KCN, Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Bình Nguyễn Bá Chuyên bày tỏ mong muốn địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm hoàn thành công tác xử lý hồ sơ, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để dự án được thực hiện liền mạch. Hiện nay, việc đầu tư hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật đang gặp khó khăn do vướng mặt bằng, nhất là giao thông kết nối ra các tuyến đường lớn. Nhà đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương và các bên liên quan để đẩy nhanh quá trình này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhận định, công tác giải phóng mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng đến KCN nói riêng, thu hút đầu tư của tỉnh nói chung. Hiện nay, phần diện tích và công việc còn lại cũng đã có cơ sở để đẩy nhanh tiến độ. Do đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị các đơn vị phấn đấu xử lý các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước Tết Nguyên đán 2025.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, việc sớm giải phóng mặt bằng dự án là nhiệm vụ quan trọng để bổ sung quỹ đất công nghiệp cho tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa phương. HĐND tỉnh thống nhất ý kiến của UBND tỉnh đề nghị huyện Vĩnh Cửu và các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành công tác nêu trên theo yêu cầu đã đặt ra.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin