Đồng Nai hiện là địa phương đi đầu trong vùng Đông Nam Bộ về sản xuất sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với 240 sản phẩm. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ có thêm 88 sản phẩm OCOP. Như vậy, về phát triển số lượng sản phẩm OCOP, tỉnh đã làm rất tốt. Tuy nhiên, muốn sản phẩm OCOP phát triển bền vững thì phải từng bước nâng hạng và tìm được đầu ra ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nên nhiều sản phẩm đã tìm được đầu ra ổn định; các chủ cơ sở sản phẩm OCOP đã từng bước mở rộng sản xuất. Thế nhưng, trong số đó vẫn còn nhiều sản phẩm chưa có đầu ra thuận lợi do khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm chưa tốt, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chưa biết tới. Do đó, dù chất lượng sản phẩm tốt nhưng vẫn khó bán được hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, để sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng trong nước biết tới, ngoài tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội nghị, triển lãm, xúc tiến thương mại, cũng cần chú trọng đến việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tận dụng các mạng xã hội như: Zalo, Facebook, TikTok, YouTube… để giới thiệu sản phẩm. Đây là kênh quảng bá, bán hàng hiện đại đang có tốc độ phát triển nhanh và đem lại hiệu quả cao cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp. Đồng thời, chi phí cho việc quảng bá trên mạng xã hội, bán hàng qua sàn thương mại điện tử rẻ hơn so với các hình thức kinh doanh truyền thống.
Ngoài ra, có thể gắn kết đưa sản phẩm OCOP vào các khu, điểm du lịch ở địa phương và các tỉnh, thành khác; bởi nhiều du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng thường muốn thưởng thức, mua về làm quà những đặc sản địa phương. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các cơ sở nên quan tâm đến sản phẩm cung ứng cho từng nhóm khách hàng; mẫu mã đẹp, đa dạng, tiện lợi, dễ bảo quản và mang đi xa. Mỗi sản phẩm OCOP nên xây dựng được những câu chuyện đặc sắc, gắn với vùng đất, con người nơi làm ra những sản vật. Như vậy, sẽ khiến nhiều người mua sản phẩm hơn.
Gần đây, có hàng trăm nhà bán lẻ quốc tế đến Việt Nam tìm mua những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ để đưa vào chuỗi các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, nhà hàng ở nhiều nước… Vùng Đông Nam Bộ được đánh giá có nhiều sản phẩm có thể bán cho các nhà bán lẻ quốc tế; đặc biệt là nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Vì thế, các cơ sở sản phẩm OCOP nên chủ động tìm cách kết nối để bán hàng cho các tập đoàn quốc tế. Đây là một kênh xuất khẩu có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin