Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2023, làn sóng công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bắt đầu “tăng tốc”. Trong gần 2 năm qua, nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đã đầu tư vào nước ta với số vốn lên đến cả tỷ USD. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như: Intel, Marvell, Amkor, Cadence, Renesas, Coherent, Tripod…
Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại vào ngành bán dẫn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 4 dự án bán dẫn của Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) với tổng vốn đăng ký khoảng 110 triệu USD. Một số doanh nghiệp bán dẫn dự tính sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Đồng Nai.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành bán dẫn, Chính phủ và Đồng Nai cần có những chính sách phù hợp, kịp thời để tháo gỡ những “nút thắt” trong đầu tư. Như vậy, Đồng Nai cũng như Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn. Trong đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu; xây dựng Luật Khu công nghiệp. Đồng thời, có chính sách ưu đãi dành cho ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nhiều tập đoàn bán dẫn nước ngoài vẫn đang chờ đợi chính sách mới của Chính phủ Việt Nam cho ngành bán dẫn, nếu đủ sức hấp dẫn sẽ quyết định đầu tư vào.
Từ năm 2001 đến nay, ngành công nghiệp bán dẫn tăng 14%/năm và năm 2023 đã đạt doanh thu 600 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn đạt doanh thu 1 ngàn tỷ USD. Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư, phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam cũng như các nước còn rất lớn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không nhanh chóng ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thì cơ hội sẽ qua nhanh. Bởi vì, hiện một số nước đã có những chính sách khá tốt để đầu tư, thu hút đầu tư các doanh nghiệp ngành bán dẫn để có thể tự chủ, tăng giá trị gia tăng, vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đơn cử như Hàn Quốc đã công bố chiến lược phát triển ngành bán dẫn với nguồn vốn 450 tỷ USD; Hoa Kỳ 52 tỷ USD; Trung Quốc 120-150 tỷ USD; Singapore 19 tỷ USD; Ấn Độ 9,1 tỷ USD; Malaysia từ 3-5 tỷ USD…
Đồng Nai có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn, song khi đến tỉnh các doanh nghiệp cần giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư. Nếu thủ tục đầu tư được rút ngắn thời gian xử lý, nhanh gọn sẽ giúp môi trường đầu tư của tỉnh tốt hơn và doanh nghiệp cũng sẽ chọn tỉnh làm điểm đến xây dựng các nhà máy sản xuất. Đón được làn sóng công nghiệp bán dẫn, Đồng Nai sẽ tăng hạng trong thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước…
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin