Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Biên Hòa cần quy hoạch xứng tầm để khai phá những cơ hội phát triển

Phạm Tùng (thực hiện)
08:00, 08/11/2024

Thành phố Biên Hòa đang thực hiện lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045. Trên quan điểm của một người làm nghề lâu năm và từng tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch của các đô thị lớn, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, thành phố Biên Hòa đang hội tụ nhiều tiềm năng phát triển nên rất cần một quy hoạch xứng tầm để khai phá các cơ hội mới.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: P.Tùng
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: P.Tùng

Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I còn nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của tỉnh sẽ xây dựng Biên Hòa thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

Biên Hòa sẽ là nơi “đất lành chim đậu”

* Thưa ông, thành phố Biên Hòa đang tiến hành lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2045. Ông kỳ vọng như thế nào vào bản đồ án quy hoạch này?

- Tôi theo dõi khá sát và có tham gia góp ý vào quá trình lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045. Do đó, tôi đánh giá những đồ án quy hoạch này đã được tỉnh cũng như thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện rất công phu. Đối với thành phố Biên Hòa, tôi cho rằng có những tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai và cần phải có một quy hoạch xứng tầm để đáp ứng tiềm năng đó, cũng như khai phá những cơ hội phát triển mới.

 * Vậy theo ông, thành phố Biên Hòa cần làm gì để thể hiện được vai trò “đầu tàu” của đô thị trung tâm của tỉnh?

- Mặc dù Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa lần này chỉ có tầm nhìn đến năm 2045, trong khi những đồ án tôi cố vấn thường có tầm nhìn 100 năm hoặc hơn; nhưng như tôi đã nói, Biên Hòa có rất nhiều tiềm năng phát triển. Cần thiết nhất lúc này là Biên Hòa phải có sự chuẩn bị để “chào đón” những trách nhiệm ngày càng quan trọng hơn không chỉ đối với tỉnh Đồng Nai, mà còn đối với cả vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, việc đầu tiên là phải quy hoạch kết nối đa trung tâm. Vừa rồi, trong Quy hoạch tỉnh, tôi có góp ý và được tỉnh lắng nghe về việc bổ sung kéo dài tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 về Biên Hòa và từ Biên Hòa kéo dài xuống Cảng hàng không (sân bay) quốc tế Long Thành. Đây là một trục rất quan trọng, bởi vì trong tương lai người dân có thể sống gần những trục theo mô hình TOD, tức là ở gần hệ thống giao thông công cộng. Từ đó có thể di chuyển đến các trung tâm của vùng, các tỉnh, thành lân cận mà không cần dùng xe cá nhân. Đây là hướng phát triển rất tiên tiến và thành phố Biên Hòa đang có quỹ đất phù hợp, có lợi thế địa hình cao để phát triển trong tương lai. Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là cơ hội để thành phố Biên Hòa thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút dân cư để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển.

* Hiện thực hóa quy hoạch là “bài toán” khó, nhất là đòi hỏi nguồn lực lớn. Vậy theo ông, vấn đề này với thành phố Biên Hòa sẽ được hóa giải như thế nào?

- Tôi muốn nhấn mạnh lại là thành phố Biên Hòa đang ở một vị thế rất đặc biệt. Đồng Nai cùng với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh là 4 địa phương có đóng góp cho ngân sách nhà nước nhiều nhất. Như vậy, tôi kỳ vọng sẽ có một kế hoạch liên kết 4 tỉnh, thành lại với nhau trong mọi định hướng phát triển, từ kết nối đa trung tâm, phát triển TOD, cho đến việc xin những cơ chế đặc thù. Chúng ta không đề xuất cơ chế riêng lẻ cho từng địa phương, mà cùng đề nghị chung cho 4 tỉnh, thành để có những hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.

Trong mối tương quan đó, đây sẽ là vùng thu hút nhân lực chất lượng cao trong nước và ngoài nước. Chúng ta nên nghĩ đến chuyện khai phá những tiềm lực kinh tế mà lâu nay chúng ta còn bỏ quên, ví dụ như: logistics đa phương tiện, đường sắt, đường cao tốc… Logistics tốt thì giá thành sẽ giảm, như vậy việc phát triển các ngành công nghiệp sẽ hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, với lợi thế Biên Hòa là vùng đất cao thì trong tương lai với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đây sẽ là nơi có thể đảm bảo sự an cư về lâu dài, một cơ hội rất là lớn. Thành phố Biên Hòa kết nối rất thuận tiện theo hướng Bắc - Nam cũng như Đông -Tây hướng ra biển. Do đó, thành phố Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung sẽ là nơi “đất lành chim đậu”, có rất nhiều tiềm năng và bộ mặt thành phố sẽ ngày càng thay đổi tích cực.

Với Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng thẩm định trong tháng 12-2024.

Phát triển đi đôi với bảo tồn sẽ tạo ra một đô thị đa bản sắc

* Thưa ông, trong định hướng quy hoạch, thành phố Biên Hòa sẽ chuyển đổi mô hình cấu trúc từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại dịch vụ và công nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về định hướng này?

- Tôi cho rằng đây là một định hướng đúng với tỉnh cũng như thành phố đang thực hiện chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 trở thành trung tâm mới của đô thị Biên Hòa. Tôi kỳ vọng trung tâm mới này và những trung tâm hiện hữu sẽ có những kết nối trực tiếp.

Theo tôi, một mặt chúng ta phát triển bản sắc mới là những khu đô thị xanh, sinh thái, đô thị hiện đại cao tầng thì bên cạnh đó chúng ta cũng không quên giữ gìn bản sắc cũ. Ghi nhận những công trình di sản có giá trị trong quá trình phát triển hạ tầng. Điều này sẽ giúp cho Biên Hòa thể hiện được tính liên tục trong phát triển hàng trăm năm qua của đô thị này.

Với hàng loạt dự án lớn đang được triển khai thực hiện, khu vực cù lao Hiệp Hòa được kỳ vọng sẽ trở thành “điểm nhấn” mới cho đô thị Biên Hòa.

* Hiện nay, các khu vực trung tâm hiện hữu của đô thị Biên Hòa quỹ đất còn lại rất ít. Vậy để phát triển hạ tầng, nhất là đường giao thông, theo ông, đâu là giải pháp để “ứng xử” với thực trạng trên?

- Đặc điểm của đô thị cũ là đường nhỏ, nhà thấp. Vậy thì cần giải pháp là phát triển đô thị mới thay vì cứ phải chen chúc vào khu vực đô thị cũ để rồi phải giải tỏa, di dời để làm đường. Tôi thiên về hướng chọn quỹ đất để phát triển đô thị mới. Đô thị mới bản chất hoàn toàn khác là có đường rộng, nhà cao tầng, có những mảng xanh rất lớn và giao thông công cộng. 2 hình thái đô thị khác nhau này mình không bắt buộc phải áp đặt đô thị hiện đại vào đô thị cũ, bởi đó là 2 lối sống khác nhau và nó đem lại sự giàu có về bản sắc cho địa phương.

Theo tôi, với các khu đô thị hiện hữu thì chúng ta cố gắng chỉnh trang, để ít nhất về mặt giao thông xe cứu hỏa, xe cứu thương phải vào được để phục vụ cho người dân. Nhưng không nhất thiết phải mở rộng quá, cũng không nhất thiết phải cao tầng hóa làm gì. Chúng ta sẽ xây những khu đô thị mới có “nhà cao cửa rộng”, đường lớn và những người thích lối sống hiện đại có thể chọn sinh sống ở đây. Như vậy, sẽ giải tỏa được áp lực quá đông, chen chúc trong đô thị cũ. Điều này cũng sẽ giúp cho thành phố Biên Hòa trở thành một thành phố đa bản sắc, đa văn hóa. Khi đó, nó sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

* Xin cảm ơn ông!

Phạm Tùng (thực hiện)

Tin xem nhiều