Tính đến nay, toàn tỉnh có 110 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, có 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 4 huyện: Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu đã trình UBND tỉnh hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Kết quả trên đều đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Huyện miền núi Định Quán được đầu tư bài bản về hạ tầng nông thôn. Ảnh: B.Nguyên |
Đạt được kết quả trên là nhờ trong quá trình thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, từ lãnh đạo tỉnh đến địa phương, các sở, ngành đều tập trung chỉ đạo quyết tâm thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lồng ghép với Chương trình Xây dựng NTM.
Đạt được kết quả cao
Thách thức trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là Bộ tiêu chí quốc gia NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn, khiến cho việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác đều bị ảnh hưởng khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và tình hình suy thoái kinh tế chung của thế giới.
Trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn Đồng Nai giai đoạn này càng khó khăn vì những xã có điều kiện thuận lợi hơn đã hoàn thành mục tiêu, những xã, huyện còn lại phấn đấu về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều là những xã, huyện còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp hơn. Đặc biệt, những huyện vùng sâu, miền núi càng gặp khó khăn do có địa bàn rộng, cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng nông thôn. Trong khi đó, các địa phương này mật độ dân cư thưa thớt khiến mức đóng góp trên mỗi hộ dân khá cao, trong khi thu nhập của người dân thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh.
Tuy nhiên, xuyên suốt hành trình xây dựng NTM, Đồng Nai luôn giữ vững vị trí tốp đầu cả nước. Tính đến nay, tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn NTM của cả nước chỉ có 77,4%; tỷ lệ xã đạt NTM nâng cao mới chiếm 34,6% và xã NTM kiểu mẫu chỉ đạt 7,6%. Cả nước chỉ có 11 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 5%).
So sánh với mặt bằng chung của cả nước, Đồng Nai tiếp tục đứng tốp đầu trong hậu xây dựng NTM khi tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao của Đồng Nai là 91,6%, tỷ lệ xã NTM kiểu mẫu đạt hơn 28%. Về huyện NTM nâng cao, năm 2023, Đồng Nai có một huyện NTM nâng cao được công nhận. Ngoài ra, Đồng Nai đang trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 huyện đang được các sở, ngành xem xét, đánh giá hồ sơ đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024.
Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo quy định và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; nghiên cứu vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.
Quyết liệt trong công tác chỉ đạo
Tuy đạt kết quả cao trong xây dựng NTM nhưng Đồng Nai không thỏa mãn và hài lòng với những gì đã đạt được. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục giữ quyết tâm cao, nhất là trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai xây dựng NTM.
Để đạt mục tiêu xây dựng NTM cả giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã đặt ra 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Một là, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung xây dựng xã, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng NTM.
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024 và đặt ra nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới để đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021-2025, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các huỵện, thành phố trên địa bàn tỉnh còn nợ tiêu chí NTM phải khắc phục và không cho nợ tiêu chí trong xây dựng NTM. NTM là giá trị để nâng tầm chất lượng sống cho người dân, để nợ nhiều tiêu chí làm cho bản chất xây dựng NTM không đúng. Đặc biệt, những yếu tố quan trọng phải được đảm bảo như: không gian công cộng, thoát nước đô thị, chống ngập, nước sạch, đường giao thông, điện… Đề nghị năm 2025, các địa phương còn nợ nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM của tỉnh cần được bố trí ngân sách nhiều hơn để có nguồn lực trả nợ đầu tư. |
Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng trên cả 2 mặt nội dung và cách làm. Tập trung quán triệt sâu, xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM cả nhiệm kỳ.
Ba là, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối giữa các trung tâm, các khu vực, kết nối vùng miền: triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về xây dựng NTM. Đầu tư, nâng cấp, duy tu sửa chữa kịp thời hệ thống hạ tầng giao thông. Nâng cao hiệu quả trong quản lý, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng công trình thủy lợi. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt và có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp: xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thực hiện chương trình. Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chế biến nông sản. Ứng dụng mạnh khoa học công nghệ kể cả trong sản xuất và trong tiêu thụ, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản. Kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái nông thôn nhằm nâng cao giá trị, tạo phát triển bền vững cho khu vực nông thôn. Mở rộng, nâng cao chất lượng các trung tâm kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mạnh các sản phẩm, đặc sản địa phương, ngành nghề nông thôn theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với xây dựng phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Khẩn trương hoàn thành đầu tư các cụm công nghiệp, nhất là cụm công nghiệp chế biến nông sản ở các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán.
Năm là, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và thực hiện tốt an sinh xã hội. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp, nhất là phổ cập giáo dục trung học cơ sở, mở rộng quy mô học sinh trung học phổ thông hài hòa với việc phát triển đào tạo nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”. Thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng bền vững. Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực nông thôn đến năm 2025 đạt 95%. Nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa, nhất là nhà văn hóa ấp; mô hình thực hiện hương ước, quy ước cộng đồng hiệu quả và nếp sống văn minh.
Sáu là, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn. Tập trung chỉnh trang nông thôn, tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao hiệu quả tổ tự quản về môi trường trong các khu dân cư. Thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, rác thải nhựa, đặc biệt là chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất. Đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường, khu dân cư kiểu mẫu.
Bảy là, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực. Thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp về huy động bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021-2025. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin