Chủ đầu tư Dự án Thành phần 3, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, nếu được Quốc hội cho phép triển khai xây dựng sớm đường cất hạ cánh (đường băng số 3) thuộc giai đoạn 3 của dự án ngay trong giai đoạn 1 thì Dự án Thành phần 3 vẫn không vượt tổng mức đầu tư.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cùng lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan khảo sát thực tế Dự án Sân bay Long Thành vào ngày 2-11. Ảnh: P.Tùng |
Dự án Thành phần 3, Dự án Đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 do ACV làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 99 ngàn tỷ đồng.
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư
Ngày 2-11, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã làm việc với các cơ quan liên quan về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành. Tại buổi làm việc này, ACV kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 (ngày 25-6-2015).
Theo đó, ACV kiến nghị đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh vào giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành (điều chỉnh phân kỳ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1); điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành đến năm 2026 và cho phép Chính phủ được quyết định đầu tư đối với từng giai đoạn của dự án mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách ACV, Giám đốc Ban Quản lý dự án Sân bay Long Thành, cho biết theo dự án được phê duyệt, Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ được đầu tư xây dựng 1 nhà ga hành khách và 1 đường băng (đường băng số 1). Tuy nhiên, quá trình rà soát, đánh giá, chủ đầu tư kiến nghị triển khai xây dựng sớm thêm đường băng số 3, là đường bằng dự tính sẽ được xây dựng trong giai đoạn 3 Dự án Sân bay Long Thành ngay trong giai đoạn 1 của dự án. “Việc xây dựng thêm đường băng số 3 thời điểm này sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1. Ngoài ra, tránh ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác, vì nếu sau này mới triển khai thi công thì bụi công trình sẽ ảnh hưởng đến nhà ga. Mặt khác, khi có thêm đường băng thứ 2 sẽ đảm bảo an toàn bay, dự phòng khi đường băng số 1 gặp sự cố, không phải điều tiết về Sân bay Tân Sơn Nhất như phương án ban đầu” - ông Nguyễn Tiến Việt cho biết.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội NGUYỄN MINH SƠN cho biết, ngày 4-11, Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể thẩm tra tờ trình điều chỉnh chủ trương dự án trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. |
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống cho rằng, nếu xây dựng sớm thêm 1 đường băng trong giai đoạn này sẽ thuận lợi về giá, có sẵn vật tư, thiết bị, nhân sự và hạn chế được sự ảnh hưởng của bụi khi sân bay đã đi vào khai thác.
Lãnh đạo ACV cho biết thêm, hiện nay, các gói thầu của Dự án Thành phần 3 đã được triển khai thực hiện đều đảm bảo tiến độ. ACV đã chủ động điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu với mục tiêu đồng bộ khai thác với nhà ga hành khách, các gói thầu còn lại của dự án (nhà ga hàng hóa, nhà để xe, hệ thống ICT...). ACV đều xây dựng tiến độ và quyết tâm hoàn thành trước ngày 31-8-2026 để đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp chào mừng Quốc khánh 2-9-2026. Do đó, chủ đầu tư kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, Trưởng đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết các ý kiến của thành viên đoàn công tác đều có sự thống nhất về sự cần thiết phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành.
Sử dụng vốn dự phòng xây sớm đường băng thứ 2
Dù có sự thống nhất về việc cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành, tuy nhiên, các thành viên đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị ACV làm rõ thêm một số nội dung. Trong đó, nội dung đặc biệt được quan tâm là nguồn vốn để xây dựng đường băng thứ 2.
Theo ACV, đường băng thứ 2 được kiến nghị xây dựng ngay trong giai đoạn 1 của Dự án Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3,4 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn xây dựng được ACV sử dụng từ quỹ dự phòng với hơn 2,6 ngàn tỷ và nguồn vốn tiết kiệm từ công tác đấu thầu các gói thầu Dự án Thành phần 3.
Ông Huỳnh Thành Chung, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đặt vấn đề nguồn vốn dự phòng về nguyên tắc là sử dụng cho những vấn đề phát sinh, những sự cố liên quan trong quá trình triển khai dự án. “Vậy việc sử dụng nguồn vốn này để xây dựng sớm đường băng thứ 2 trong giai đoạn 1 của dự án thì chủ đầu tư có cam kết sẽ không ảnh hưởng khi phát sinh những vấn đề liên quan đến đầu tư dự án?” - ông Huỳnh Thành Chung đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Tiến Việt, đối với Dự án Thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư, hiện nay chỉ còn 2 gói thầu đang thực hiện công tác đấu thầu. Trong khi đó, tất cả các gói thầu còn lại đều đã hoàn thành đấu thầu lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công. Do đó, nguồn vốn từ chi phí dự phòng sử dụng xây sớm đường băng thứ 2 là từ các gói thầu đã hoàn thành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Với 2 gói thầu đang đấu thầu, chi phí dự phòng vẫn được đảm bảo như ban đầu nên sẽ không ảnh hưởng đến quá trình đầu tư dự án. “Với dự kiến tổng mức đầu tư hơn 3,4 ngàn tỷ đồng, việc xây dựng sớm đường băng thứ 2 ngay trong giai đoạn 1 sẽ không làm vượt tổng mức đầu tư Dự án Thành phần 3 do ACV thực hiện” - ông Nguyễn Tiến Việt cho biết thêm.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin