Đồng Nai không chỉ là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, mà còn là địa phương đi đầu trong hình thành hàng trăm vùng chuyên canh cây trồng có quy mô lớn, chất lượng cao. Tỉnh lại có vị trí địa lý thuận lợi, là tỉnh công nghiệp thu hút nguồn lao động dồi dào nên càng có lợi thế thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
Chế biến trái cây tại một doanh nghiệp ở huyện Định Quán. Ảnh:B.Nguyên |
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi và các loại nông sản khác. Định hướng của tỉnh là nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nông sản chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chế biến trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là thế mạnh ngành nông nghiệp Đồng Nai tập trung triển khai trong thời gian tới.
Lợi thế thu hút đầu tư
Với lợi thế của ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, an toàn sinh học với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, Đồng Nai thu hút các nhà đầu tư chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các vật nuôi chính gồm: heo, gia cầm, trâu, bò trên địa bàn tỉnh đạt 676,5 ngàn tấn, tăng 4,6% so với năm 2022. Trong đó, thịt heo đạt gần 473,2 ngàn tấn; thịt gia cầm đạt gần 165,6 ngàn tấn; thịt trâu bò đạt gần 5,3 ngàn tấn.
Đồng Nai đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản gồm: Cụm công nghiệp Phú Túc tại huyện Định Quán và Cụm công nghiêp Long Giao tại huyện Cẩm Mỹ.
Ngành chăn nuôi của tỉnh không chỉ phát triển về quy mô sản xuất mà càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh, an toàn chăn nuôi. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 5 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, 125 trang trại và 7 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP.
Tỉnh cũng sớm triển khai Đề án Quản lý trang trại chăn nuôi và Dự án Truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 62,5 ngàn con heo được truy xuất nguồn gốc; 276 trang trại duy trì khai báo chăn nuôi trên phần mềm Quản lý chăn nuôi Te-Food…
Về lĩnh vực cây trồng, tính đến cuối tháng 10-2024, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt gần 140,9 ngàn hécta, gồm các cây trồng chính như: lúa, bắp, mía, các loại rau màu… Tính đến nay, tổng diện tích cây lâu năm đạt gần 171,5 ngàn hécta. Trong đó, diện cây ăn trái đạt gần 78,3 ngàn hécta, chiếm hơn 45,6% tổng diện tích; diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt gần 93,2 ngàn hécta.
Các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh là nguyên liệu sử dụng nhiều cho ngành chế biến đã hình thành được những vùng chuyên canh quy mô lớn, không chỉ đáp ứng tiêu thụ sản phẩm tươi, mà còn là nguồn nguyên liệu sử dụng cho ngành chế biến. Đặc biệt, nhiều vùng nguyên liệu cây công nghiệp đã có ngành chế biến phát triển mạnh như: cao su, điều, cà phê, tiêu, ca cao, mía… Cụ thể, sản lượng hạt điều trên địa bàn tỉnh đạt hơn 48 ngàn tấn; tiêu đạt hơn 27,1 ngàn tấn; sản lượng mủ cao su đạt gần 34 ngàn tấn…
Với diện tích gần 8,7 ngàn hécta nuôi thủy sản, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2023 đạt hơn 74,6 ngàn tấn, Đồng Nai cũng có lợi thế thu hút nhà đầu tư chế biến vào lĩnh vực này.
Tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh được tập trung vào một số ngành hàng có thế mạnh như: chế biến thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, cà phê, hạt điều, rau củ quả, lâm sản.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 50 doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 4,3 triệu tấn/năm. Toàn tỉnh có 45 cơ sở giết mổ với tổng công suất giết mổ hơn 2,8 ngàn con gia súc/ngày, 48,5 ngàn con gia cầm/ngày. Tỉnh cũng đã thu hút được 47 DN sơ chế, chế biến thịt heo, gà với quy mô tiêu thụ nguyên liệu 100 ngàn tấn/năm.
Toàn tỉnh có khoảng 150 cơ sở nhỏ lẻ chế biến thủ công sản phẩm từ thịt với tổng công suất khoảng 1 ngàn tấn sản phẩm/năm. Tỉnh có 130 DN, 230 cơ sở nhỏ lẻ sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: hạt điều, cà phê, ca cao, chế biến các loại trái cây, rau củ… Lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có 5 DN chế biến thủy sản với công suất khoảng 15 ngàn tấn sản phẩm/năm.
Nhìn chung, trình độ công nghệ chế biến của các DN mới ở mức trung bình, trừ một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như: chế biến hạt điều, cà phê, trái cây, cơ sở giết mổ tập trung.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng, hiện toàn huyện có 96 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 13 DN, 3 hợp tác xã và 80 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Huyện có thế mạnh nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trên địa bàn huyện đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, với gần 23,3 ngàn hécta cây công nghiệp như: cao su, hồ tiêu, cà phê, huyện Cẩm Mỹ thuộc tốp đầu có diện tích cây công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Địa phương đang nỗ lực thu hút đầu tư vào chế biến nông sản. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp chế biến nông sản tại Long Giao với diện tích hơn 54 hécta. Hiện nay, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, sở đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách và ban hành các chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản theo định hướng của tỉnh. Cụ thể, tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách, chương trình như: Mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Đặc biệt, Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030, Đồng Nai đặt ra mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25-30% đến năm 2025 và tăng lên từ 40-50% đến năm 2030.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin