Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Xuân Lộc nỗ lực hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu

Kim Bằng - Bình Nguyên
07:59, 05/11/2024

Đến thời điểm này, dù Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí để đánh giá huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu nhưng huyện Xuân Lộc đã có 12/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong đó có 9 xã đạt NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

 

Với quan điểm “xây dựng NTM không có điểm dừng”, Xuân Lộc là huyện NTM đầu tiên của cả nước vào năm 2014 và tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023. Đồng thời, Xuân Lộc cũng là một trong 4 huyện của cả nước thực hiện thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025. Vì thế, huyện đang nỗ lực hoàn thành sớm mục tiêu trên.

Những kết quả nổi bật

Trong 4 huyện được chọn thực hiện thí điểm xây dựng huyện NTM của cả nước, Xuân Lộc là huyện duy nhất được chọn thí điểm theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025. Xuân Lộc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, nông dân với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động là chủ thể tạo nên kỳ tích cho vùng quê còn nhiều khó khăn này. Đội ngũ nông dân đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, ứng dụng khoa học, công nghệ cao để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Nhờ đó, đến nay Xuân Lộc đã đạt nhiều mục tiêu khác theo yêu cầu của Đề án Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025. Đến nay, toàn huyện có 15/15 mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu, đảm bảo mỗi xã có từ 1-2 mô hình nông nghiệp kiểu mẫu. Các mô hình này được liên kết sản xuất thông qua hình thức hợp tác xã; trên 85% lao động được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất; khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP; có áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất; sản phẩm được truy xuất nguồn gốc điện tử, vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng, được thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường… Hiện toàn huyện có 9 khu dân cư kiểu mẫu được công nhận và đang hoàn thiện, trình hồ sơ 21 khu; dự kiến đến cuối năm 2024, toàn huyện có ít nhất 30 khu dân cư kiểu mẫu.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng ứng dụng công nghệ cao và xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện nhân rộng được 111 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gồm 104 mô hình chăn nuôi, 5 mô hình trồng trọt và 2 mô hình thủy sản.

Huyện Xuân Lộc rất chú trọng chỉnh trang để xây dựng các vườn sinh thái, kết nối du lịch thông qua hình thức phát động xây dựng vườn mẫu. Đến nay, toàn huyện có 48 vườn được người dân đăng ký, huyện đã thẩm định, công nhận 15 vườn mẫu. Đây là những tiền đề để phát triển du lịch sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp quảng bá sản phẩm.

Mang lại nhiều giá trị

Thực hiện Đề án Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025, Xuân Lộc đã nhận ra những giá trị tích cực. Địa phương đã duy trì và phát huy thế mạnh của các vùng sản xuất cây trồng chủ lực hiện có, tập trung chuyển đổi gần 3 ngàn hécta cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: thanh long, xoài, sầu riêng, cây có múi, rau…

Nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập của nông dân, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng chủ lực có giá trị từ 400-500 triệu đồng/hécta/năm. Đặc biệt, một số mô hình trồng sầu riêng, dưa lưới, thanh long đạt từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/hécta/năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt 232,4 triệu đồng/hécta/năm. Riêng với cây chủ lực là 348,5 triệu đồng/hécta. Nếu tính cả chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp năm 2024 đạt 367 triệu đồng/hécta.

Địa phương tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn huyện đã xây dựng được 16 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trên các loại cây trồng, tạo được khối lượng hàng hóa lớn, đồng đều, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, riêng lẻ.

Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao được thúc đẩy phát triển, tăng cường thu hút đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong các khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng rất quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản trên địa bàn gắn với kiểm soát an toàn thực phẩm. Tỷ lệ diện tích nông nghiệp được tưới tự động, tiết kiệm nước đạt 87%. Trong đó, diện tích tưới từ các công trình thủy lợi đạt 47%. Tỷ lệ sử dụng giống mới đạt 100% đối với cây hàng năm, 85% đối với cây lâu năm. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP để nâng cao hiệu quả canh tác và áp dụng công nghệ sau thu hoạch để ổn định chất lượng sản phẩm. Toàn huyện đã có 9 sản phẩm chủ lực được chứng nhận GAP.

Huyện cũng tập trung tái cơ cấu đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững. Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại với quy mô trên 400 ngàn con heo và trên 6 triệu con gà, sử dụng giống mới chiếm 99%. Chăn nuôi trang trại quy mô lớn chiếm trên 80% tổng đàn, hình thành 25 vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi với 134 trang trại chăn nuôi đang hoạt động.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng cho biết, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và trình hồ sơ công nhận hoàn thành mục tiêu Đề án Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nhất là hệ thống giao thông, cấp nước, xử lý môi trường, tạo sự kết nối, thúc đẩy phát triển sâu rộng giữa các vùng miền. Phát triển NTM gắn chặt với triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu đối với nông sản chủ lực của địa phương. Chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Phát triển kinh tế gắn với công tác quản lý bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ nguồn nước; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.

 Kim Bằng - Bình Nguyên

Tin xem nhiều