Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nuôi gà ta thả vườn lại gặp khó

Bình Nguyên
08:23, 29/10/2024

Gà ta là sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, các trang trại đến hộ chăn nuôi của tỉnh thường tập trung đầu tư cho nuôi vụ Tết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá gà ta thả vườn giảm dưới giá thành sản xuất khiến nhiều hộ chăn nuôi e dè đầu tư.

Trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Trong khi đó, gà công nghiệp đang lập đỉnh giá mới. Do hơn 90% gà công nghiệp được nuôi theo quy mô trang trại lớn theo chuỗi liên kết nên đầu ra được đảm bảo. Đây cũng là hướng đi các trang trại, hộ chăn nuôi gà ta thả vườn trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để có đầu ra ổn định hơn.

Không mặn mà làm vụ Tết

Vài tuần trở lại đây, đúng thời điểm bắt đầu vào vụ nuôi cung cấp cho thị trường cuối năm, giá gà ta thả vườn giảm sâu. Hiện giá gà ta thả vườn nông dân bán tại trại chỉ còn khoảng 40 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Sự, nông dân nuôi gà thả vườn tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), cho biết với giá bán hiện nay, người nuôi gà đang rơi vào cảnh thua lỗ. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nuôi gà thả vườn thường rơi vào cảnh lỗ vốn. Tại địa phương, nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ nghề. Trước đây, xã Xuân Tây nổi tiếng với mô hình Nuôi gà trống thiến cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là đặc sản bán được với giá cao vì được người tiêu dùng ưa chuộng, mua về sử dụng hoặc làm quà biếu dịp lễ, Tết. Nhưng hiện nay, không còn mấy hộ nuôi gà trống thiến, có nuôi thì tổng đàn cũng giảm rất nhiều so với trước.

Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt 24,8 triệu con, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng đàn gà đạt 21,7 triệu con, giảm gần 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt 24,8 triệu con, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng đàn gà đạt 21,7 triệu con, giảm gần 1,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Giang, chủ trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh), cho hay đầu ra của con gà ta thả vườn rất bấp bênh, lúc giá cao thì thương lái đến trại mua gà nhiều, nhưng khi thị trường tiêu thụ chậm, giá rẻ lại rất khó tìm người mua. Trước tình hình thị trường biến động thất thường như hiện nay, đa số trại nuôi gà ta không tăng đàn cho nuôi vụ Tết mà giữ tổng đàn như những tháng khác trong năm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, thời gian qua, các trang trại, hộ chăn nuôi gà thả vườn thường phải gồng mình gánh lỗ vì giá gà ta bán ra thường thấp hơn giá thành sản xuất. Vì thế, rất nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã dừng nuôi. Cơ sở nào còn duy trì cũng thu hẹp sản xuất; vụ Tết, các hộ nuôi hầu như không mở rộng quy mô vì lo rủi ro về đầu ra.

Đầu tư theo chuỗi

Ngược lại với thị trường tiêu thụ gà ta thả vườn, giá gà công nghiệp đang tăng từng tuần. Hiện giá gà công nghiệp bán tại trại dao động ở mức 39-41 ngàn đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Lý giải giá gà công nghiệp tăng cao, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) Lê Văn Quyết cho rằng, gà công nghiệp hiện được nuôi theo quy mô trang trại công nghiệp. Đa số các trang trại chăn nuôi quy mô lớn này đều vào chuỗi sản xuất. Người nuôi được bao tiêu đầu ra và đảm bảo về lợi nhuận. Những tháng cuối năm, gà công nghiệp tiêu thụ tốt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, đây là thời điểm ngành chế biến các sản phẩm từ thịt gà công nghiệp vào mùa cao điểm sản xuất cho thị trường cuối năm nên nguồn cung thấp hơn cầu, đẩy giá gà tăng cao.

Ứng phó trước khó khăn, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi gà ta trên địa bàn tỉnh đã cùng bắt tay xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ để cạnh tranh được trên thị trường.

Ông Dương Văn Bình, chủ trang trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), chia sẻ vài năm trở lại đây, trại chăn nuôi của ông tham gia chuỗi liên kết có đơn vị đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, người nuôi không còn thấp thỏm lo đầu ra, lợi nhuận cũng được đảm bảo hơn.

Theo ông Bình: “Chăn nuôi theo chuỗi kiểm soát tốt về dịch bệnh, tỷ lệ gà hao hụt giảm, con gà phát triển tốt hơn nên năng suất tăng hơn khoảng 10% so với trước. Nhờ đó, ngay cả thời điểm giá gà thả vườn giảm thì người nuôi vẫn có lợi nhuận”.

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tâm Việt (ở huyện Cẩm Mỹ) Lê Đình Ngoãn cho biết, hợp tác xã hiện có 16 xã viên với quy mô tổng đàn khoảng 100 ngàn con/lứa nuôi. Hợp tác xã làm đầu mối mua con giống, thức ăn chăn nuôi và các vật tư khác cung cấp cho các xã viên với mức giá ưu đãi hơn ngoài thị trường. Hợp tác xã tập trung vào những giống gà đang được thị trường ưa chuộng như: gà mía, gà lương phượng, gà ri... Nhờ hợp tác xã xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn, sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP nên ngoài bán cho thương lái, đơn vị đang phát triển mạnh kênh bán lẻ nên có giá bán tốt, đầu ra ổn định hơn.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều