Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế giữ nhịp phục hồi và tăng trưởng

Văn Gia
07:20, 07/10/2024

Trong 9 tháng của năm 2024, kinh tế cả nước cũng như Đồng Nai dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng khích lệ. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng, nguồn vốn của doanh nghiệp (DN) bổ sung vào thị trường tạo nên động lực cho nền kinh tế.

Sản xuất tại Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom).
Sản xuất tại Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom). Ảnh:V.Gia

Trong bức tranh tương đối lạc quan vẫn có những khó khăn, trong đó đơn hàng tuy tăng trưởng song chưa ổn định, thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm phẩm chưa thuận lợi nên các DN cần được hỗ trợ trong những tháng cuối năm.

Tăng trưởng cao hơn cùng kỳ

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 9 tháng của năm 2024 tăng hơn 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu cả năm 2024 là từ 6,5-7% và cũng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, khi mức tăng trưởng chỉ đạt 5,03%.

Các ngành nghề sản xuất đều tăng trưởng. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 3,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính cho tăng trưởng; ngành xây dựng cũng tăng khá do các dự án lớn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 đang được triển khai...

Mong muốn của các DN là cơ quan nhà nước triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng; tổ chức kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường.

Sản xuất tăng trưởng nhờ tác động kép của nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục khởi sắc nhờ các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu và Trung Quốc gia tăng đơn hàng. Bên cạnh đó, các DN đã linh hoạt khai thác thị trường nội địa, tận dụng hiệp định thương mại tự do (FTA) và mở rộng thị trường, giúp kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng của năm 2024 đạt mức tăng trưởng khá cao. Trong tháng 9, Đồng Nai xuất khẩu hơn 2,2 tỷ USD, lũy kế 9 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gần 17,9 tỷ USD, tăng 11,46% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với hồi phục về sản xuất, xuất khẩu thì một yếu tố khả quan là số lượng DN gia nhập thị trường khá cao. Đến cuối tháng 9-2024, có hơn 3 ngàn DN thành lập mới với số vốn hơn 23,6 ngàn tỷ đồng; gần 900 lượt DN đăng ký bổ sung vốn hơn 38,2 tỷ đồng.

Theo bà Lê Thị Hoa Hồng, Cục phó Cục Thống kê Đồng Nai, kinh tế có sự phục hồi khá rõ, đặc biệt là từ đầu quý II. Nhiều DN đã ký được các đơn hàng sản xuất mới với khối lượng lớn, một số có hợp đồng sản xuất đến hết năm và sang năm sau. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại tạo điều kiện để DN trên địa bàn tập trung cho sản xuất, xuất khẩu.

Hỗ trợ về thị trường và kết nối doanh nghiệp

Đối với các DN, sự phục hồi là tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều biến động. Theo đại diện Công ty TNHH Ishikawa (thành phố Biên Hòa), DN chuyên sản xuất gia công cơ khí, linh kiện máy móc, đơn hàng sản xuất vẫn duy trì ở mức tương đối. Tuy nhiên, so với năng lực sản xuất thì lượng hàng tiêu thụ vẫn còn ít. Trước đây đối tác chủ yếu của công ty là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng gần đây, việc cạnh tranh trong cung ứng ngày càng gay gắt hơn. Do đó, Ishikawa cũng mong tiếp cận được thêm nhiều đối tác là DN Việt, đồng thời địa phương, các ngành, hiệp hội có những chương trình hỗ trợ về thị trường.

Là một trong những ngành sản xuất chủ lực nên Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đang nỗ lực để tìm các giải pháp thúc đẩy thị trường cho DN. Ông Phạm Văn Sinh, Phó chủ tịch Dowa, Giám đốc Công ty CP Gỗ Lido (huyện Trảng Bom), cho hay hiệp hội vừa làm việc với đại diện Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam về hỗ trợ phát triển một số hoạt động của hiệp hội. Theo đó, Dowa sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế và các viện khoa học để xây dựng hệ sinh thái vật liệu xây dựng bằng gỗ cho Việt Nam. Đồng thời, xúc tiến xây dựng nền tảng (platform) ứng dụng sản phẩm chính nhận diện DN của Dowa. Thông qua đó, kết nối và phát triển công nghệ số cho DN cũng như hiệp hội, tạo ra thị trường tương tác giữa các DN, đối tác cùng ngành nghề với nhau.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Đặng Văn Điềm, hiệp hội khuyến khích và tạo điều kiện để các DN, hội viên thực hiện các quan hệ liên kết kinh tế bền vững song phương. Cụ thể là các liên kết dọc giữa các DN khác ngành nhưng có thể cung ứng sản phẩm cho nhau và các liên kết ngang giữa các DN cùng ngành trên cơ sở chuyên môn hóa để cùng sản xuất ra một sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh. Trước mắt tập trung vào việc hình thành chuỗi liên kết trong thương mại, dịch vụ; từng bước tiến đến liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Văn Gia

Tin xem nhiều