Đồng Nai đang tiến hành kiểm kê đất đai năm 2024 nhằm đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất của các cấp, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp để quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện dự án nhà ở tại huyện Trảng Bom. Ảnh: Ảnh minh họa: B.MAI |
Tuy nhiên, hiện hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong đấu thầu thực hiện.
Triển khai ở 3 cấp
Theo quy định của pháp luật, 5 năm/lần, Nhà nước sẽ tiến hành kiểm kê đất đai từ cấp xã đến Trung ương. Mục đích là để kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất; so sánh biến động sử dụng đất 5 năm giữa 2 kỳ kiểm kê; đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Năm nay, trước thời điểm Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực (từ ngày 1-8-2024), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về kiểm kê đất đai. Sau đó, Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập hiện trạng bản đồ sử dụng đất. Thực hiện các chỉ đạo này, tháng 8-2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kiểm kê đất đai và lập hiện trạng bản đồ sử dụng đất, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê đất đai tỉnh Đồng Nai, đồng thời tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện.
Tính đến ngày 1-10-2024, có 2/11 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là Biên Hòa và Trảng Bom.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo kiểm kê đất đai tỉnh Đồng Nai, cho biết kiểm kê đất đai kỳ này sẽ tập trung đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất. Trong đó, tập trung vào một số loại đất như: sân golf; cảng hàng không; khu vực đất sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Hiện tại, tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở triển khai thực hiện. Theo đó, việc kiểm kê và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện ở 3 cấp xã, huyện và tỉnh, trong đó cấp xã là đơn vị cơ bản thực hiện kiểm kê và là cơ sở để tổng hợp kết quả kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các cấp huyện, tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Trưởng ban Chỉ đạo kiểm kê đất đai tỉnh Đồng Nai, cho rằng kiểm kê đất đai là nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Do đó, các địa phương phải nhanh chóng tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu tuyển chọn đơn vị tư vấn để thực hiện. Quá trình kiểm kê phải lưu ý thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác và đúng quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất; bảo đảm yêu cầu chất lượng và thời gian theo quy định.
Theo kế hoạch của tỉnh, thời gian bắt đầu kiểm kê là từ ngày 1-8-2024. Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai đối với cấp xã là trước ngày 17-2-2025, cấp huyện trước ngày 14-4-2025 và cấp tỉnh trước ngày 30-6-2025.
Chưa địa phương nào chọn được nhà thầu
Hiện hầu hết các địa phương đã phê duyệt kế hoạch kiểm kê đất đai nhưng chưa có địa phương nào lựa chọn được nhà thầu. Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, phương án kiểm kê đối với địa phương có kế hoạch sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho hay, huyện đã thống nhất giao nhiệm vụ kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện cho Phòng Tài nguyên và môi trường làm chủ đầu tư, còn cấp xã do UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư, thực hiện quy trình đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện. Đối với cấp huyện, đã phê duyệt danh mục và dự toán gói thầu cung ứng dịch vụ, đang xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Riêng với cấp xã, qua rà soát các quy định thì không có nhiệm vụ chi ngân sách xã cho quản lý đất đai mà phải là ngân sách cấp tỉnh hoặc huyện. Do đó, huyện vẫn chưa triển khai.
Tại huyện Vĩnh Cửu, Phó chủ tịch UBND huyện Lê Nguyễn Song Toàn cho biết, địa phương đã thống nhất một đầu mối là giao Phòng Tài nguyên và môi trường chủ trì lập đề cương, dự toán kinh phí và thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn chung cho cả cấp huyện và cấp xã. Khó khăn hiện nay là huyện mới ước lượng và bố trí được khoảng 1,5/4 tỷ đồng cho kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, do đó chưa đủ điều kiện để Sở Tài chính thẩm định hồ sơ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, huyện có kế hoạch sáp nhập xã Hiếu Liêm vào xã Trị An, chưa biết kiểm kê trước hay sau khi sáp nhập.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, kế hoạch đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng các địa phương chưa lựa chọn được nhà thầu là khá chậm. Vì vậy, các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo sở, ngành, địa phương phải theo dõi thường xuyên, đôn đốc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ, quy định.
Liên quan đến đơn giá và kinh phí, tạm thời các địa phương dự trù kinh phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật. Những địa phương chưa bố trí hoặc bố trí nhưng chưa đủ kinh phí thì có thể văn bản gửi về Sở Tài chính tổng hợp để trình gửi HĐND tỉnh xem xét. Việc đấu thầu lựa chọn một hay nhiều nhà đầu tư thực hiện nhiệm vụ kiểm kê do địa phương quyết định trên tinh thần đúng quy định của pháp luật và đảm bảo kết quả tốt. Phấn đấu tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 10-2024.
Đối với 4 địa phương cấp huyện có kế hoạch điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã là: Biên Hòa, Long Khánh, Tân Phú và Vĩnh Cửu thì triển khai kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở các phường/xã không sáp nhập trước, các phường/xã sáp nhập làm sau.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin