(ĐN) - Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chi cục Thú y vùng VI và Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, ông Ngô Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa) tiếp tục kiến nghị được phép tiêu hủy 20 cá thể hổ và 1 cá thể báo đen đã chết và bốc mùi hôi thối nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Container trữ 21 con hổ, báo đang phân hủy nằm trong khu vực trữ thức ăn cho thú tại Khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: B.Nguyên |
20 con hổ, con nhỏ khoảng 10kg, con trung bình từ 100-120kg, con lớn từ 180-200 kg và 1 con báo đen có trọng lượng từ 80-100kg bị bệnh chết dần từ ngày 8 đến 22-9.
Khi KDL Vườn Xoài báo tình hình hổ chết, cơ quan chức năng đã về làm việc. Trong đó, Trạm Thú y Biên Hòa đã thực hiện mổ khám, lấy mẫu của 2 cá thể hổ và 1 cá thể báo. Toàn bộ số hổ, báo đã chết trên được cấp đông trong container. Đây vốn là container cấp đông trữ thịt gà sống làm thức ăn cho nhiều vật nuôi trong vườn thú. Khu vực này nằm khá gần khu nuôi nhốt các loài thú nên nguy cơ rủi ro lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi nếu để tình trạng này kéo dài.
Mặt khác, do sự cố container lưu trữ xác hổ và báo bị hư đột xuất, nhiệt độ đồng hồ báo lên đến 51°C. Công ty chỉ đạo sửa chữa nhưng chưa khắc phục được. Công ty đã báo cáo lên Sở Tài Nguyên và môi trường xin ý kiến cho xử lý 21 con hổ, báo đã chết đang bị phân hủy.
Đoàn Chi cục Thú y vùng VI và Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai khảo sát khu nuôi nhốt hổ tại Khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: B.Nguyên |
Ngày 30-9, Sở Tài nguyên và môi trường có tổ chức họp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND thành phố Biên Hòa, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, Phòng Cảnh sát điều tra tôi phạm về tham nhũng-kinh tế - buôn lậu - môi trường... nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được cách xử lý.
Theo đó, Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài vừa gởi văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan nhanh chóng kiểm tra và cho tiến hành tiêu hủy 20 cá thể hổ và 1 cá thể báo đen đã chết và bốc mùi hôi thối nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Cũng theo ông Ngô Văn Sang, trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng các loài thú không thể tránh khỏi sự cố giảm đàn như các cá thể chết do già, yếu, do bệnh hoặc cắn lẫn nhau. Doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý có quy chế phối hợp và hướng dẫn các bước thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong việc xử lý sự cố giảm đàn, tránh ảnh hưởng đến công tác chăm sóc và nuôi dưỡng thú cũng như chi phí của doanh nghiệp.
Bình Nguyên - Thủy Mộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin