Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai tiên phong xây dựng nhà máy xanh, thông minh
Bài cuối: Hình thành các khu công nghiệp xanh, sinh thái

Nhóm P.V
07:20, 23/10/2024

Theo Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 48 khu công nghiệp (KCN) với hơn 18 ngàn hécta. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; đồng thời, chuyển đổi, thành lập mới các KCN công nghệ cao, KCN xanh, sinh thái.

Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Amata.
Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Amata.

Hiện nay, Đồng Nai đã thành lập 33 KCN, trong đó có 31 KCN đang hoạt động. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để hình thành các nhà máy xanh, thông minh. Đây cũng là nền tảng để hình thành các KCN xanh, sinh thái.

Đi đầu chuyển đổi khu công nghiệp xanh

Năm 2020, Đồng Nai được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn KCN Amata (thành phố Biên Hòa) là một trong 3 địa phương triển khai thí điểm KCN sinh thái theo tiêu chí toàn cầu. Dự kiến khi hoàn thành sẽ nhân rộng mô hình này ra các KCN ở Đồng Nai, cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Giám đốc Quản lý công trường Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa Nguyễn Hữu Nghị cho hay, khung quốc tế về KCN sinh thái bao gồm 4 khía cạnh: quản lý KCN, môi trường, kinh tế và xã hội. Qua quá trình thực hiện, khoảng 18 DN trong KCN tham gia thực hiện việc đánh giá sản xuất sạch hơn. Có 8 giải pháp được đưa ra áp dụng, ước tính tiết kiệm khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng/năm; giảm phát thải khí nhà kính 552,9 tấn CO2/năm; giảm phát sinh nước thải 4,8 ngàn m3/năm. Kết quả trên cho thấy, KCN Amata hiện đã tiệm cận với nhiều chỉ tiêu theo khung quốc tế về KCN sinh thái toàn cầu. Giai đoạn tiếp theo, các giải pháp cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được đẩy mạnh nhằm đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí của KCN sinh thái.

Dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 31 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1,8 ngàn hécta. Các cụm công nghiệp sẽ thu hút các cơ sở làng nghề, DN nhỏ vào hoạt động và cũng sẽ được đầu tư theo hướng xanh để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.

Phát triển các KCN thế hệ mới theo mô hình sinh thái, xanh đã trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu. Mục đích là để thích ứng  với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hướng đến một tương lai xanh.

Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho hay, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh trong quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư vào KCN, tập trung phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thâm dụng tài nguyên, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu... Phát triển các KCN theo mô hình sinh thái, xanh để phát triển bền vững.

Dần trở thành trung tâm công nghiệp xanh

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 sẽ trở thành địa phương có kinh tế lớn thứ 3 cả nước. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 58%. Vì công nghiệp vẫn là chủ lực trong phát triển kinh tế nên tỉnh sẽ tập trung thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao vào các KCN trên địa bàn.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp
kết hợp du lịch tại huyện Cẩm Mỹ.
Ảnh: HOÀNG LỘC
Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp kết hợp du lịch tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: HOÀNG LỘC

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các khu vực tỉnh chọn quy hoạch phát triển KCN có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng, có địa chất tốt, chi phí xây dựng công trình ít tốn kém. Tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN, các KCN chuyên sâu công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp xanh, sinh thái, hoàn thành mục tiêu net zero.

Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns cho hay, có nhiều DN Hoa Kỳ đã đầu tư nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, các nhà máy đa số có công nghệ hiện đại. Với các lợi thế từ hạ tầng kỹ thuật, trong thời gian tới, nhiều DN Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào tỉnh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao với các dự án sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo... Ngoài ra, Hoa Kỳ dự kiến sẽ hợp tác đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đồng Nai để có thể làm chủ được khoa học -  công nghệ cao.

Để trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại của Việt Nam thì Đồng Nai phải thu hút dòng vốn xanh, đầu tư các nhà máy xanh, thông minh; đồng thời, vận động, hỗ trợ các nhà máy sản xuất chưa đạt tiêu chí xanh, chuyển đổi công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số.

PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định để đạt net zero cần có những chính sách và sự hợp tác với nhau. Các DN không thể tiến hành riêng biệt mà phải liên kết thành một thực thể, tạo thành chuỗi, hướng đến sản xuất tuần hoàn, tạo thành một chuỗi cung ứng từ đầu vào tới đầu ra. Net zero cần tiến tới giải phóng sức lao động, chuẩn hóa trang thiết bị máy móc để giảm khí thải carbon, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả lao động và môi trường.  Đồng Nai cần tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ các dự án ảnh hưởng tới môi trường sinh thái...

Nhóm P.V

Tin xem nhiều