Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai tiên phong xây dựng nhà máy xanh, thông minh
Bài 3: Sản phẩm xanh giúp giữ vững, mở rộng thị trường

Nhóm P.V
08:27, 22/10/2024

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn giữ vững và mở rộng thị trường trong, ngoài nước thì phải ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) vào các nhà máy sản xuất. Sản phẩm làm ra xanh, mức độ chính xác cao, ít phát thải khí carbon mới đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế. Trong cuộc đua “xanh”, DN nào đi trước sẽ nắm được lợi thế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng gặp gỡ các tập đoàn bán lẻ quốc tế tại Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng gặp gỡ các tập đoàn bán lẻ quốc tế tại Hội nghị Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2024 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Đồng Nai là một trong 5 trung tâm sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước. Trong đó, trên 70% sản phẩm công nghiệp sản xuất ra được xuất khẩu sang hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Các thị trường này đều đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa nên các nhà máy xanh, thông minh thường nhận được nhiều đơn hàng hơn.

“Luật chơi” mới trong thương mại

Các DN muốn tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu toàn cầu, tận dụng tốt 16 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương Việt Nam đã ký kết phải đáp ứng được “luật chơi” mới trong thương mại. Cụ thể là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Vì thế, mỗi ngành, lĩnh vực như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, chế biến nông sản… đều phải truy xuất được nguồn gốc và “xanh hóa” từ nguyên liệu đầu vào.

Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, sản phẩm may mặc của công ty đa số xuất khẩu qua châu Âu, Hoa Kỳ. Các thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm nên ngoài chọn dòng nguyên liệu xanh thì công ty đầu tư các nhà máy xanh để sản phẩm làm ra đạt yêu cầu của nhãn hàng. Cũng theo ông Hoàng, vì sản phẩm may mặc của công ty đạt các tiêu chí xanh nên xuất khẩu tương đối thuận lợi, đơn hàng năm nay tăng hơn 10% so với năm trước, hiện đã có đơn hàng đến năm 2025.

Dệt may là ngành sản xuất chủ lực của Đồng Nai và tỉnh thuộc tốp đầu các địa phương có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất Việt Nam. Các nhà máy dệt may trên địa bàn tỉnh tham gia vào sản xuất xanh khá nhanh nên nhận được nhiều đơn đặt hàng. Cụ thể, 9 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 32,4 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Đồng Nai xuất khẩu dệt may được hơn 1,3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, Việt Nam đang xếp thứ 3 thế giới về xuất khẩu dệt may, dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 43-44 tỷ USD. Để ngành dệt may xuất khẩu bền vững, hiệp hội hỗ trợ, thúc đẩy các DN ứng dụng công nghệ hiện đại như: tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo vào trong sản xuất nhằm xanh hóa ngành dệt may, thích ứng với chính sách của quốc tế, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Tương tự, với nhiều ngành nghề khác, các DN cũng không ngừng đầu tư công nghệ 4.0, AI để có sản phẩm xanh theo đúng xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) Trần Quang cho hay, DN đầu tư vào tỉnh từ năm 2004, với ngành sản xuất nến thơm. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu qua Hoa Kỳ, châu Âu nên công ty rất chú trọng chọn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường. Đồng thời, DN nghiên cứu, ứng dụng các máy móc, công nghệ hiện đại để sản phẩm đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đa dạng.

Sản phẩm xanh sẽ chiếm lĩnh thị trường

Các nhãn hàng lớn trên thế giới đều đưa ra cam kết có lộ trình giảm dần khí thải carbon và sẽ đạt net zero vào năm 2050. Vì thế, các nhãn hàng cũng yêu cầu các nhà máy sản xuất phải từng bước cắt giảm khí thải, chuyển sang sản xuất xanh, tuần hoàn thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhãn hàng cũng khuyến khích từng nhà máy sử dụng nguyên liệu tái chế, vật liệu cần ít năng lượng hơn để sản xuất, vật liệu thông minh… để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu xanh trở thành xu hướng chung của toàn cầu và sản phẩm xanh được người tiêu dùng đón nhận ngày càng nhiều.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cho biết, sau đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững đã lựa chọn Việt Nam làm địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội cho các DN mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, sản phẩm muốn xuất khẩu được phải đảm bảo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Trong đó, những sản phẩm xanh sẽ được các tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ lựa chọn nhiều hơn.

Tại Đồng Nai, các DN đang dần hình thành chuỗi sản xuất - xuất khẩu xanh để giữ và tăng thêm thị phần ở các thị trường còn nhiều dư địa. Đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA…

Theo đại diện Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ), tập đoàn đang tìm nguồn cung ứng sản phẩm công nghiệp như: giày dép, quần áo, sản phẩm gỗ, nông sản chế biến, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác của Việt Nam. Do đó, các DN có hàng hóa đạt được những quy định về chất lượng có thể trở thành đối tác cung ứng hàng hóa cho Walmart. Tập đoàn sẽ mua hàng hóa với số lượng lớn để đưa vào hệ thống siêu thị của nhiều quốc gia, chứ không riêng thị trường Hoa Kỳ.

Nhóm P.V

>>> Bài 4: Hình thành các khu công nghiệp xanh, sinh thái

 

Tin xem nhiều