Bài 1: Doanh nghiệp FDI ưu tiên đầu tư nhà máy xanh, thông minh
Là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam nên Đồng Nai đã tiên phong trong đầu tư, xây dựng các nhà máy xanh, thông minh theo xu hướng chung của toàn cầu. Các nhà máy được ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, sử dụng tiết kiệm năng lượng, dùng nguyên liệu tái chế, giảm phát thải khí carbon. Mục đích là để phát triển công nghiệp bền vững, giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Công nghệ hàn tự động trong dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (vốn Đài Loan) tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom. |
Đồng Nai đang hướng đến phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái, xanh theo tiêu chí toàn cầu. Đây cũng là tiêu chuẩn nhiều quốc gia đặt ra với hàng hóa nhập khẩu. Vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đã ưu tiên đầu tư các nhà máy xanh, thông minh hiện đại nhất Việt Nam, cũng như khu vực ASEAN.
Hiện nay, Đồng Nai đã có hàng loạt nhà máy xanh, thông minh của các tập đoàn, DN FDI như: Nestlé, Bosh, Schaeffler, Meggitt, SMC, UPM, Fleming, Coherent, Kaneko, Action Composites… tại các KCN. Các nhà máy trên ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0 vào quản lý, dây chuyền sản xuất, sản phẩm cung ứng cho nhiều nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Những nhà máy hiện đại của thế giới
Từ hơn một thập niên trước, Đồng Nai đã ban hành chính sách thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Do đó, đa số dự án đầu tư vào tỉnh có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Trong quá trình sản xuất, nhiều DN FDI không ngừng đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số để giảm lao động nhưng năng suất, chất lượng vẫn tăng. Đồng thời, người lao động bớt vất vả, có thể điều khiển dây chuyền sản xuất từ xa. Đồng Nai là nơi có những nhà máy sản xuất hiện đại hàng đầu của thế giới.
Giám đốc Đối ngoại và truyền thông của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Khuất Quang Hưng cho biết, Nestlé hiện có 3 nhà máy ở Đồng Nai, tổng vốn đầu tư khoảng 850 triệu USD. Trong đó, Nhà máy Nestlé Trị An ở KCN Amata (thành phố Biên Hòa) là nhà máy chế biến cà phê hiện đại và lớn nhất của Tập đoàn Nestlé ở hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhà máy được ứng dụng công nghệ 4.0 để sản xuất tuần hoàn, ít phát thải, sản phẩm đạt tiêu chí xanh, được các nước phát triển nhập khẩu với số lượng lớn. Các nhà máy của Nestlé Việt Nam tại Đồng Nai đang tiên phong trong sản xuất xanh, chuyển đổi số để tiến đến net zero.
Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự kiến đến năm 2030, Đồng Nai có 48 KCN phát triển theo hướng xanh. Vì thế, tỉnh khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao vào các nhà máy sản xuất để đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh, thông minh. Như vậy, hàng hóa dễ xuất khẩu vào các thị trường.
Tại Đồng Nai có những nhà máy của DN FDI nằm trong tốp đầu thế giới về sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất các linh kiện cho những ngành công nghệ cao trên toàn cầu. Cụ thể, nhà máy của Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở KCN Biên Hòa 2 chuyên sản xuất động cơ cho các loại máy bay quân sự, dân dụng hiện đại nhất thế giới; Công ty TNHH Action Composites Hightech Industries thuộc KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 sản xuất linh kiện cho các dòng xe cao cấp, siêu xe cho các hãng ô tô hàng đầu thế giới; Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam đã đầu tư nhà máy xanh ở KCN Amata sản xuất tất cả các loại vòng bi lớn, nhỏ cho máy công nghiệp, nông nghiệp hiện đại trên thế giới…
Phó chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bosch Việt Nam ở KCN Long Thành (huyện Long Thành) Brendan Sunderland cho hay, Nhà máy Bosch Việt Nam đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao tại Đồng Nai, cũng như Việt Nam, góp phần quan trọng cho ngành sản xuất kỹ thuật cao và nền kinh tế quốc gia. Sản phẩm của Bosch Việt Nam là dây đai truyền lực ô tô được xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bosch Việt Nam đã ký kết 12 thỏa thuận hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong nước, mở ra cánh cửa cho sinh viên theo đuổi đam mê và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Chuyển đổi nhanh, bắt kịp xu hướng
Đồng Nai hiện có hàng ngàn nhà máy sản xuất của các DN FDI trong các KCN. Đa số sản phẩm của các nhà máy trên đưa đi xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới. Thị trường chính của các nhà máy là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Úc nên sản phẩm làm ra phải có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng. Để đáp ứng được các yêu cầu trên, các DN FDI luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại để làm ra những sản phẩm mới và tốt. Có những nhà máy đã đặt hàng các nhà khoa học, kỹ sư cơ khí chế tạo nổi tiếng thế giới để nghiên cứu ra những máy móc độc quyền để sản xuất linh kiện cho những nhà máy công nghệ cao trên toàn cầu.
Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt Nam Kaneko (KCN Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, huyện Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: “Công ty có 100% vốn của Nhật Bản, chuyên sản xuất các loại van. Nhà máy của Kaneko tại huyện Nhơn Trạch được ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, sản xuất những dòng van cao cấp cho tàu vũ trụ, máy bay, nhà máy điện hạt nhân, hệ thống lọc dầu. Hiện các loại van cho tàu vũ trụ đã bán sang nhiều thị trường có ngành hàng không vũ trụ nổi tiếng thế giới như: Nga, Hoa Kỳ, châu Âu, Tây Á…”.
Cũng theo ông Tâm, tàu vũ trụ, máy bay, nhà máy điện hạt nhân, hệ thống lọc dầu hầu hết ứng dụng công nghệ 4.0 nên thiết bị van cho những máy móc trên đòi hỏi rất cao về chất lượng trong những điều kiện khắc nghiệt. Bởi vì, chỉ cần van có sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến cả hệ thống bị cháy, nổ.
Theo các tập đoàn, DN FDI, công nghệ sản xuất cho mỗi lĩnh vực, ngành nghề được thay đổi thường xuyên và ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm. Vì thế, các nhà máy của DN FDI phải liên tục đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số vào trong các khâu sản xuất, quản lý để đạt được hiệu quả cao nhất.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam (ở KCN Amata) Trần Quang cho biết: “Công ty Fleming đầu tư vào Đồng Nai từ năm 2004, với ngành sản xuất nến thơm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty chủ yếu là Hoa Kỳ, châu Âu nên đòi hỏi rất cao về chất lượng. Do đó, Fleming đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0 để sản xuất theo yêu cầu của KCN sinh thái theo tiêu chí toàn cầu nên sản phẩm được các khách hàng đánh giá cao và mua nhiều hơn vì thân thiện với môi trường”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các DN FDI đi tiên phong trong đầu tư khoa học - công nghệ, chuyển đổi số. Hiện Đồng Nai có nhiều nhà máy của DN FDI đạt xanh, thông minh và có đầu ra thuận lợi. Tỉnh tạo điều kiện để các DN chuyển đổi công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhóm P.V
Bài 2: Doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng xanh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin