Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế xanh

Uyển Nhi
07:56, 15/10/2024

Trong phát triển bền vững, chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là nền móng cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì thế, Chính phủ ưu tiên hàng đầu cho CĐS và xem đây là chiến lược cho phát triển nhanh, bền vững giúp đất nước được hùng cường, thịnh vượng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch, lộ trình tham gia CĐS để từng bước hình thành chính quyền số, kinh tế số, sản xuất xanh.

Đồng Nai nằm trong tốp 6 tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhất cả nước nên yêu cầu về CĐS đòi hỏi nhanh hơn để bắt kịp nhu cầu phát triển chung của khu vực, thế giới. Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) đang chạy đua trong CĐS, vì đây là con đường giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm áp lực về lao động, đáp ứng được những đơn hàng lớn đòi hỏi cao về kỹ thuật… Đồng thời, CĐS giúp các DN tiến nhanh hơn đến sản xuất xanh, tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường với mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia khác.

Theo các DN có hàng hóa xuất khẩu vào châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, các thị trường trên ngày càng đưa ra nhiều hàng rào kỹ thuật đòi hỏi khắt khe hơn như: sản phẩm sạch, xanh, ít phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế, không sử dụng lao động chưa đủ tuổi làm việc… Các hàng rào kỹ thuật trên buộc DN phải CĐS mới đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Vì vậy, DN nào chậm chân trong CĐS rất khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển ổn định, lâu dài.

Qua thực tế tại Đồng Nai, những DN ưu tiên đầu tư vào CĐS để sản xuất xanh, thương hiệu được nâng lên và đơn đặt hàng cũng nhiều hơn. Vì thế, DN có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh và lớn mạnh dần. Còn những DN chưa chú trọng đến CĐS thường bị bỏ lại phía sau, trong đó có nhiều DN đã phải giải thể hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh vì hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên, trong CĐS, các DN đang gặp một số khó khăn là chọn đơn vị uy tín, có kinh nghiệm, năng lực tư vấn giải pháp phù hợp; cần nguồn vốn lớn để đầu tư hạ tầng công nghệ số; đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghệ số. Các vướng mắc trên, những DN nhỏ, siêu nhỏ rất khó vượt qua nên rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương để việc tham gia vào CĐS thuận lợi hơn. DN tham gia vào CĐS phát triển nhanh, hiệu quả sẽ tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.         

Uyển Nhi

 

 

Tin xem nhiều