Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng phòng, chống cúm A/H5N1 trên động vật hoang dã

Khánh Minh
22:59, 04/10/2024

Mới đây, Đồng Nai đã phát hiện bệnh cúm A/H5N1 trên đàn hổ nuôi nhốt tại Khu du lịch (KDL) sinh thái Vườn Xoài (ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa). Trong đó có khoảng 20 con hổ bị chết và lực lượng chức năng của tỉnh, thành phố đã tiến hành khoanh vùng dịch để tiêu độc, khử trùng và tiếp tục theo dõi chặt những động vật hoang dã (ĐVHD) tại đây.

Tuy chưa phát hiện cúm A/H5N1 lây từ đàn hổ bị nhiễm bệnh sang người chăm sóc trực tiếp, gián tiếp nhưng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn có văn bản yêu cầu KDL Vườn Xoài hạn chế tiếp nhận khách đến tham quan, vui chơi giải trí. Mục đích là để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ dịch cúm A/H5N1 có thể lây từ đàn hổ sang đàn chim, gia cầm và lây sang người.

Hiện trong KDL Vườn Xoài có nhiều loài chim hoang dã, gia cầm nên nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N1 rất cao. Người bị nhiễm cúm A/H5N1 tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên tới 60%. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở người đều có liên quan đến việc tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Nguy hiểm hơn là bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả.

Ngoài KDL Vườn Xoài thì KDL Bửu Long và một số nơi khác trên địa bàn tỉnh cũng có nuôi ĐVHD. Bên cạnh đó, Đồng Nai là nơi có đàn gia cầm lớn với hơn 24 triệu con, thuộc tốp đầu cả nước; nếu không kiểm soát, khoanh vùng và dập dịch nhanh mà để lây lan ra bên ngoài thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Đồng Nai có hơn 50 loài ĐVHD đang được gây nuôi tại trang trại gia đình, trong đó có hơn 20 loài quý hiếm. Các loài trên khi nuôi đều được các cơ sở đăng ký, kê khai với ngành kiểm lâm để kiểm soát. Tuy nhiên, trước tình hình cúm A/H5N1 đã lây nhiễm qua đàn hổ thì các cơ sở cần kiểm soát chặt chẽ, tiêm vaccine phòng cúm A/H5N1 cho ĐVHD. Khi có dấu hiệu nghi cúm phải tiến hành lấy mẫu kiểm tra ngay và có phương án khoanh vùng dập dịch, tránh để lây lan khi xảy ra dịch bệnh.

Đến thời điểm này, các ngành chức năng cũng chưa tìm ra nguồn gốc lây bệnh cho đàn hổ. Có giả thuyết rằng, có thể do thức ăn của đàn hổ là gia cầm đã bị nhiễm bệnh, song cũng không thể loại trừ khả năng các loài gia cầm, chim hoang dã mang mầm bệnh đến. Trong khi chờ đợi tìm ra nguyên nhân gây ra cúm A/H5N1 cho đàn hổ thì các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những cơ sở có nuôi ĐVHD, phải làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Khánh Minh

Tin xem nhiều