Năm nay, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu vượt quy mô xuất khẩu của năm 2022 (là năm cao nhất). Nhưng để đạt được giá trị 17,5 tỷ USD là không dễ vì 2 năm vừa qua, ngành gỗ vẫn rất bấp bênh.
Doanh nghiệp ngành gỗ Đồng Nai tham quan một nhà máy ở Trung Quốc trong chương trình xúc tiến thương mại vào tháng 9 vừa qua. Ảnh: Thu Hoài |
Bên cạnh mục tiêu xuất khẩu, ngành sản xuất gỗ còn đứng trước nhiều áp lực để phát triển bền vững, xanh hóa sản xuất và khai thác tốt hơn thị trường nội địa.
Chưa hồi phục hoàn toàn
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 12,5 tỷ USD trong 9 tháng qua, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023; các thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam có sự ổn định hoặc vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trừ Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ, các thị trường chính của Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu vẫn duy trì đà tăng.
Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD trong năm nay, vượt qua kỷ lục gần 17 tỷ USD của năm 2022. Tuy nhiên, thu về 5 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm khó đạt được khi nội lực chưa hoàn toàn hồi phục và nhu cầu thế giới khó lường. Bên cạnh đó, ngành sản xuất gỗ cũng phần nào bị ảnh hưởng khi thời gian vừa qua, bão Yagi khiến 170 ngàn hécta rừng trồng tại các tỉnh, thành phía Bắc bị thiệt hại, một số nhà xưởng chế biến ở khu vực này cũng bị hư hỏng nặng.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Bộ có quy mô sản xuất và xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước thì sự hồi phục vẫn chưa đạt được mức cũ. Hơn nữa, các doanh nghiệp (DN) nội tỏ ra yếu thế hơn so với các DN nước ngoài.
Khó khăn chung của DN vẫn là thiếu đơn hàng nên việc khai thác các nguồn lực của nhau nhằm tối ưu hóa chi phí trong giai đoạn khó khăn của ngành gỗ là hết sức cần thiết. |
Theo Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) Nguyễn Chánh Phương, thị trường vẫn còn những yếu tố khó lường. Thực tế thì công suất sản xuất của các đơn vị trong ngành gỗ cũng chưa phục hồi được như trong giai đoạn 2021-2022. Ngoài ra, những biến động trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất gỗ, cũng như các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam.
Tại Đồng Nai, năm 2023, tuy xuất khẩu gỗ đứng thứ 2 cả nước và đứng vị trí thứ 3 trong các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm 34% so với năm 2022. Năm 2024, mục tiêu đặt ra là xuất khẩu gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD. Trong 9 tháng của năm 2024, tỉnh đã xuất khẩu được hơn 1,16 tỷ USD nên cả năm có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu, nhưng so với con số 1,86 tỷ USD của năm 2022 thì vẫn là một bước thụt lùi.
Nhiều thách thức với doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) Đỗ Xuân Lập, ngành gỗ đang đứng trước những thách thức cho sự phát triển bền vững. Các thị trường xuất khẩu lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đã đưa ra các yêu cầu cao để DN phải đáp ứng. Cụ thể như: chính sách xã hội và an sinh cho người lao động, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, nguyên liệu phải có chứng chỉ rừng, các tiêu chí sản xuất giảm phát thải… Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng, các chứng nhận hợp quy sẽ được các đối tác quốc tế đánh giá rất nghiêm ngặt. Mà muốn vượt qua được những thách thức trên thì DN phải có nguồn lực đầu tư lớn và là câu chuyên trước sau gì cũng phải làm.
Trước mắt, những quy định từ châu Âu đang là vấn đề đáng lo. Châu Âu đã thông qua quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR), áp dụng từ cuối năm nay, riêng với DN nhỏ và siêu nhỏ thì bắt đầu từ ngày 30-6-2025. Theo đó, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông, lâm sản bao gồm: cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu nành, nếu các hoạt động trong chuỗi cung ứng tại quốc gia sản xuất vi phạm các quy định của các quốc gia hoặc quá trình sản xuất các sản phẩm gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng. Đến nay, những quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi.
Các quy định trên đặt ra thách thức buộc DN phải tìm cách thích ứng, từ nỗ lực kết nối, hợp tác nâng cao năng lực sản xuất đến thực hiện các quy trình sản xuất bền vững. Thị trường nội thất Việt Nam với quy mô 100 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo nhưng lâu nay các DN chế xuất còn bỏ ngỏ, thị trường được chiếm lĩnh bởi hàng nhập khẩu là phần lớn.
Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Hội viên, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Phạm Văn Sinh cho hay, việc kết nối, hợp tác giữa các DN trong giai đoạn này là hết sức cần thiết. Dowa đang tạo lập nền tảng ứng dụng sản phẩm nhận diện DN của hiệp hội. Thông qua đó kết nối và phát triển công nghệ số cho DN cũng như hiệp hội, tạo ra thị trường tương tác giữa các DN, đối tác cùng ngành nghề với nhau.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin