Báo Đồng Nai điện tử
En

Ẩn số từ “cơn sốt” hàng giá rẻ từ Temu

Lam Phương
07:05, 30/10/2024

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài các sàn TMĐT đã “quen mặt” với người tiêu dùng Việt như: Shopee, Lazada, TikTok Shop, thời gian gần đây còn xuất hiện một “nhân vật” mới như Temu (Trung Quốc).

Logo Temu trên nền giao diện website bán sản phẩm của nền tảng.
Logo Temu trên nền giao diện website bán sản phẩm của nền tảng. Ảnh chụp màn hình

Gần một tháng qua, người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên bắt gặp vô số quảng cáo, thông tin, tiếp thị mời gọi rầm rộ tham gia mua sắm trên sàn TMĐT Temu với mức giá siêu rẻ và giảm giá lên đến 90%.

Quảng cáo rầm rộ, đánh trúng tâm lý người mua hàng

Temu là sàn bán lẻ TMĐT xuyên biên giới được điều hành bởi PDD Holdings (Trung Quốc), một tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới. Sàn này nối gót những “tên tuổi” cũ như: Taobao, Shein, 1688 vốn đã xuất hiện trước đó tại thị trường Việt Nam.

Temu có nhiều thuận lợi vì xuất hiện khi thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, kinh tế khó khăn, sức mua giảm và nhu cầu hàng giá thấp tăng cao. Do đó, hàng hóa giá rẻ của Temu đã đánh trúng tâm lý “mua sắm thả phanh, không lo về giá” của người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, Temu đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.

TMĐT xuyên biên giới đã và đang phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích đó, hoạt động TMĐT xuyên biên giới cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có việc quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn bảo mật thông tin và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Temu tập trung vào chiến lược, phân khúc hàng giá rẻ. Các sản phẩm đa phần dao động từ 20-400 ngàn đồng/sản phẩm, chưa kể những chương trình khuyến mãi, miễn phí vận chuyển, hoặc hoàn hàng, hoàn tiền trong vòng 3 tháng. Xuất hiện khắp trang chủ của Temu là các chương trình khuyến mãi, giảm giá liên tục lên tới 90%.

Chị Bảo Anh (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, những ngày qua, thấy trên mạng xã hội liên tục giới thiệu ứng dụng Temu, chị đã tham khảo và thử mua một số đơn hàng. Sàn này tung rất nhiều ưu đãi cho người mở tài khoản và giao dịch lần đầu, đặc biệt với đơn hàng đầu tiên, người mua hàng có thể được giảm giá đến 90%.

“Việc mua hàng cũng đơn giản như các sàn khác. Kho hàng khổng lồ của Temu đa dạng từ thời trang, đồ gia dụng cho đến các sản phẩm công nghệ, giải trí với nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá hấp dẫn, miễn phí vận chuyển… Trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc tiếp cận được kênh mua sắm như vậy khá thu hút người tiêu dùng” - chị Bảo Anh chia sẻ.

Không chỉ quảng cáo và giới thiệu nhiều sản phẩm giảm giá sâu, Temu còn thu hút người dùng từ việc tạo thu nhập nhanh chóng thông qua việc tham gia chương trình tiếp thị. Trên các kênh mạng xã hội, thậm chí còn xuất hiện các hội nhóm, video clip hướng dẫn, giới thiệu các kiếm tiền từ Temu…

Anh V.G. (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, sau khi giới thiệu app Temu và “thả” link tải ứng dụng, link mua hàng ở các nền tảng mạng xã hội, anh đã có khoảng 2 triệu đồng tín dụng trong app, chờ quy đổi về ví Temu là có thể tiếp tục sử dụng mua hàng tại sàn.

“Chỉ cần giới thiệu, tham gia chương trình tiếp thị liên kết của sàn này là có hoa hồng. Chính sách hấp dẫn với chiết khấu lên đến 30%, hơn hẳn nhiều sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam” - anh V.G. cho hay.

Giá rẻ nhưng có thật sự an toàn?

Tương tự như nhiều nền tảng TMĐT khác, Temu thu thập rất nhiều dữ liệu từ người dùng ứng dụng, từ thông tin cá nhân, IP, lịch sử tìm kiếm mua sắm và vị trí địa lý. Điều này gây lo ngại về quyền bảo mật riêng tư và an ninh dữ liệu, tài chính. Bên cạnh đó, việc nhiều người chia sẻ link giới thiệu tham gia tiếp thị, tải ứng dụng Temu có thể bị lợi dụng lừa đảo bằng cách chèn hoặc thay link có gắn mã độc nhằm đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.

Trước làn sóng hàng giá rẻ của Temu xâm nhập vào thị trường Việt Nam, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT đối với các sàn Temu, Shein, 1688.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục TMĐT và kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như: Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT.

Đồng thời, Cục TMĐT tham mưu cho lãnh đạo bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam… Ngoài ra, cần chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp ngay.

Lam Phương

Tin xem nhiều