Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng công nghệ xanh cho quản lý, sản xuất công nghiệp

Văn Gia
08:09, 26/09/2024

Đồng Nai đang thực hiện từng bước trong lộ trình chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp xanh. Do đó, việc ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Nhà máy của Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất. Ảnh: Thu Nga
Nhà máy của Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất. Ảnh: Thu Nga

Chủ trương chính sách của tỉnh cũng được sự đồng hành, hưởng ứng của các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn và doanh nghiệp (DN) thứ cấp trong quá trình sản xuất.

Nhiều công nghệ mới cho sản xuất và quản lý công nghiệp

Tại Chợ Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp (Techmart) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều công nghệ mới đã được giới thiệu.

Công ty CP Giải pháp DN Toàn Cầu giới thiệu “Giải pháp kiểm soát kế hoạch sản xuất trong nhà máy thông minh 4.0 -  Smart Factory”. Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc kinh doanh công ty, chia sẻ thách thức của DN Việt Nam là tìm ra những giải pháp phù hợp với đặc thù của ngành hàng và phải có chi phí đầu tư ở mức tối ưu. Các phần mềm quản lý của nước ngoài chưa thật sự tương thích với mô hình kinh doanh ở Việt Nam và chi phí triển khai vượt quá ngân sách cho phép. Hiện nay, Toàn Cầu đã phát triển giải pháp kiểm soát kế hoạch sản xuất trong nhà máy thông minh 4.0. Đây là hệ thống điều hành quản lý toàn diện quy trình sản xuất thông minh, cung cấp cho DN cái nhìn tổng thể về toàn bộ quá trình sản xuất. Được tích hợp thành một bộ giải pháp toàn diện cho nhà máy, nên có thể áp dụng cho tất cả các loại mô hình sản xuất phổ biến nhất hiện nay và mang tới giải pháp đồng hành cùng DN nhằm nâng cao năng suất hoạt động, cải thiện chất lượng và tối ưu nguồn lực triệt để.

Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2025 có 80% DN trong KCN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường. Tỉnh phát triển các KCN mới, có tính chất chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường, xã hội như: KCN liên kết ngành, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái...

Tương tự, trong việc đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí cho KCN, tiến sĩ Phạm Văn Khoa (Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất giải pháp công nghệ hoàn chỉnh, đã được triển khai áp dụng ở một số đơn vị. Hệ thống đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí được nhóm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ IoT, cảm biến đo lường và công nghệ truyền dẫn dữ liệu kết hợp Wi-Fi và LoRa nhằm đo lường và giám sát từ xa các thông số chất lượng môi trường không khí như: CO, nhiệt độ, độ ẩm, bụi mịn, CO2… Ưu điểm của hệ thống là được thiết kế có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt, tiết kiệm năng lượng, giá thành thấp, dễ sử dụng, tương thích với nhiều thiết bị khác nhau.

Sự kiện này cũng mang đến nhiều giải pháp khác cho sản xuất bền vững như: Khảo sát, kiểm tra hệ thống điện mặt trời, điện gió và tạo bản sao 3D kỹ thuật số bằng drone kết hợp công nghệ AI; Công nghệ khí hóa xử lý rác thải rắn trong sản xuất công nghiệp - chế biến tạo năng lượng phục vụ quá trình sấy và bảo quản nông sản, thực phẩm; Giải pháp điều khiển phân tán hệ thống quản lý năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ AI tối ưu chi phí sản xuất trong nhà máy...

Doanh nghiệp và khu công nghiệp cùng vào cuộc

Tại Đồng Nai, với chính sách phát triển công nghiệp xanh và bền vững của tỉnh, khoảng 5 năm trở lại đây, các DN đầu tư vào KCN hầu hết có máy móc công nghệ đáp ứng yêu cầu của tỉnh và những dự án được chấp thuận đều thuộc những lĩnh vực đang ưu tiên thu hút đầu tư.

Tại KCN Amata (thành phố Biên Hòa) đã trải qua các nghiên cứu nghiêm ngặt và thực hiện các chiến lược toàn diện để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tính bền vững. Những nỗ lực này đã mang lại những tiến bộ đáng kể, với việc Amata Biên Hòa đạt được tỷ lệ tuân thủ cao theo tiêu chuẩn KCN sinh thái. Việc xây dựng KCN sinh thái cũng được nhiều DN hưởng ứng.

Tháng 5-2024, Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam đã khánh thành nhà máy thứ 3 tại KCN Amata. Theo lãnh đạo công ty thì DN đang áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến để giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm sử dụng điện năng, năng lượng và giảm phát thải. Qua sản xuất xanh, sản phẩm làm ra được khách hàng đánh giá cao và mua nhiều hơn vì thân thiện với môi trường.

Từ KCN Amata, các KCN khác cũng sẽ áp dụng phát triển theo hướng xanh, bền vững. Theo ông Ishii Hiroyuki, Tổng giám đốc Công ty CP Long Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Đức), KCN này đang thúc đẩy triển khai Dự án KCN xanh, thông minh. Dự án này sẽ tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu KCN xanh, thông minh; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải công nghiệp hướng tới không phát thải khí CO2; tiết kiệm năng lượng.

Theo Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương, quá trình triển khai đầu tư theo hướng chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, đa chức năng, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn còn nhiều thách thức. Đơn vị đang nỗ lực, tiếp tục đồng hành cùng DN để kịp thời tổng hợp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đạt mục tiêu hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận cho các dự án đầu tư sẽ ưu tiên thu hút các dự án sản xuất thuộc các lĩnh vực/ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thâm dụng tài nguyên (nước, lao động, đất đai)…

Văn Gia

 

Tin xem nhiều